Ở Bình Định, có lẽ không vùng nuôi tôm nào có hệ thống cung cấp nước ngọt và xử lý nước thải bài bản như vùng nuôi tôm an toàn sinh học ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) nhờ sự đầu tư của dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD).
Những năm trước đây, vùng nuôi tôm Đông Điền liên tiếp gặt hái thành công nhờ người nuôi tuân thủ nghiêm cẩn kỹ thuật chăm sóc tôm nuôi theo quy trình, cùng sự chung tay của cộng đồng trong quản lý tôm nuôi. Tuy nhiên, trong cả 2 vụ nuôi năm nay, vùng nuôinày cũng bị dịch bệnh tấn công do thời tiết quá bất thuận.
Theo ông Phạm Văn Chạy, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm cộng đồng thôn Đông Điền, vùng nuôi tôm an toàn sinh học ở đây có 43 hộ nuôi tôm trên tổng diện tích 23ha. Nhiều năm qua, những hộ nuôi tôm ở đây chưa hề nếm thất bại nhờ tuân thủ nghiêm cẩn quy trình nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, thế nhưng năm nay do thời tiết quá khắc nghiệt, nên dù các hộ nuôi có cẩn trọng đến mức nào cũng không tránh được thất bại liên hoàn cả 2 vụ nuôi.
Hệ thống kênh dẫn nước ở vùng nuôi an toàn sinh học Đông Điền. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Ví như trường hợp anh Phạm Văn Chạy, có gần 1ha diện tích nuôi tôm trong vùng nuôi an toàn sinh học Đông Điền. Vụ 1 năm nay anh thả giống vào đầu tháng 3 dương lịch. Sau khi thả khoảng 20 ngày, trời đổ cơ mưa bất chợt khiến nước trong ao nuôi bị ngọt hóa, tôm sốc môi trường mất sức đề kháng, bị bệnh gan tụy tấn công.
Tiếp đến, độ mặn trong nguồn nước nuôi tăng cao khiến tôm dính thêm bệnh thân đỏ đốm trắng, lăn đùng ra chết hàng loạt, bởi 2 bệnh nói trên đối với tôm nuôi chưa có thuốc đặc trị.
Dịch bệnh không chỉ tấn công vùng nuôi Đông Điền mà còn hoành hành cả hơn 25ha trong các vùng nuôi khác ở xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước). Tuy nhiên, do bệnh phát sớm nên người nuôi tổn thất ít.
“Vụ 1, từ khi thả nuôi đến khi tôm bị bệnh tôi đầu tư từ mua giống đến chi phí thức ăn trong 20 ngày hết gần 50 triệu đồng, vụ nuôi này tôi thua trắng. Tiến hành nuôi vụ 2 tôi cải tạo ao hồ bài bản, thả nuôi mật độ thấp, từ 10-15 con/m2, vậy mà dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lại thua tiếp, bán tháo tôm cũng chỉ đủ bù khoản chi phí đầu tư”, anh Chạy bộc bạch.
Theo anh Chạy, ở Đông Điền hệ thống thủy lợi trong vùng nuôi rất bài bản, nước vào nước ra có kênh dẫn riêng, nên dịch bệnh phát sinh không thể đổ thừa do ô nhiễm nguồn nước nuôi, mà mối họa dịch bệnh đến từ nhiều nguồn.
Anh Chạy minh họa: “Nguồn lây nhiễm dịch bệnh đến với vùng nuôi tôm an toàn sinh học Đông Điền bị bủa vây cả “đường hàng không, đường biển và đường bộ”. Đường “hàng không” là lũ chim gắp thức ăn từ hồ nuôi bị bệnh bay về đây thả vào ao nuôi chưa bị bệnh, thế là lây nhiễm; “đường biển” là từ lũ động vật giáp xác mang mầm bệnh từ nơi khác đến; “đường bộ” bắt nguồn từ lũ ếch, nhái…”.
Sau khi mưa bất chợt, tôm bị sốc môi trường mất sức đề kháng, tiếp đến độ mặn trong nguồn nước nuôi tăng cao khiến tôm bị bệnh thân đỏ đốm trắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, tính đến tháng 9/2020, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh này đạt khoảng 3.835 ha, tương đương năm 2019; trong đó, diện tích nuôi nước ngọt là 1.500ha, diện tích nuôi nước lợ hơn 2.335ha. Sản lượng ước đạt 6.942 tấn. Trong đó, sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 5.500 tấn; tôm hùm 12 tấn; cá 1.360 tấn, trong đó cá ngọt 1.200 tấn, cá biển hơn 57 tấn, cá nước lợ hơn 102 và 70 tấn các thủy sản khác.
“Tính đến nay, tổng diện tích nuôi tôm vụ 1 trên địa bàn Bình Định bị dịch bệnh trên 38ha, trong đó bệnh đốm trắng 0,56 ha; bệnh do môi trường 38 ha, chiếm 2% trong tổng diện tích thả tôm”, ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Thủy sản Bình Định cho hay.
“Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, Bình Định sẽ “đón” từ 1 - 2 cơn bão, mưa lớn kéo dài trong 2 tháng 10 và 11. Để tránh tổn thất cho người nuôi tôm, chúng tôi đã chỉ đạo các vùng nuôi quảng canh cải tiến thân thiện môi trường, nuôi theo hình thức đánh tỉa thả bù. Cần khẩn trương thu hoạch các đối tượng nuôi để tránh thất thoát khi mưa bão xảy ra. Vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trong vùng đầm cần thu hoạch gọn. Đối với vùng nuôi tôm trên cát cần thường xuyên kiểm tra môi trường nước nuôi trước và sau những cơn mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tích cực phòng bệnh cho tôm nuôi khi thời tiết thay đổi bất thường”, ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.