Theo đó, Trung tâm đã thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ 6,5 ha rừng ngập mặn được triển khai trồng từ năm 2018, trong đó tại Nhơn Bình 1,5 ha và Phước Sơn 05 ha. Đồng thời, phối hợp với các hộ dân được giao khoán tổ chức bảo vệ 81,61 ha rừng trồng thuộc đầm Thị Nại và đầm Đề Gi.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã triển khai trồng 2.100 cây đước tại khu vực Cồn Trạng, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước thuộc Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại, kết hợp khảo nghiệm ươm thử nghiệm 6.000 cây giống mắm biển để phục vụ cho công tác trồng rừng ngập mặn.
Tính đến nay, số lượng cây ngập mặn được trung tâm trồng xung quanh các hồ nuôi trồng thủy sản trên đầm Thị Nại và đầm Đề Gi lên đến 1,5 triệu cây, với diện tích khoảng 1.000 ha; Tổ chức triển khai 5 lớp tập huấn, tuyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn cho cộng đồng dân cư sống ven đầm Thị Nại và Đề Gi, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ thuật bảo vệ rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Ông Trương Xuân Đưa, Trưởng trạm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp (thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh) cho biết: công tác chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp do diện tích trồng rừng là vùng bãi bồi ven đầm, đây cũng là diện tích người dân tập trung khai thác thủy sản ven bờ.
Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn góp phần tạo sinh kế cho người dân
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ rừng; ngăn chặn các hoạt động xâm hại rừng trồng như khai thác thủy sản, khai thác cát… Đồng thời, tích cực thông tin, tuyên truyền về bảo vệ thông qua hệ thống đài truyền thanh xã và các lớp tập huấn kỹ thuật để nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong việc ổn định môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu; lợi ích thiết thực và lâu dài mà hệ sinh thái rừng ngập mặn mang lại cho con người (bảo vệ bờ đê, các công trình thủy lợi, xây dựng, ngăn mặn, tạo sinh kế).
Được biết, từ năm 2023 Trung tâm Khuyến nông sẽ triển khai thực hiện Dự án Bảo vệ và phát triển rừng ngặp mặn ở các địa phương ven biển trong tỉnh. Dự án tập trung khôi phục, trồng mới và bảo vệ diện tích rừng ngập mặn tại TP Quy Nhơn và các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ; giao khoán bảo vệ, chăm sóc và trồng mới với diện tích khoảng 258 ha, trồng mới 7.300 cây ngập mặn phân tán dọc các khu vực bãi triều ven đầm và các ao hồ nuôi trồng thủy sản.