Cá lăng nha được phân bố ở nhiều nước châu Á, từ Ấn Độ đến các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cá lăng nha phân bố tự nhiên trong các sông, suối và hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong những loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao, giá trên thị trường dao động từ 80.000-120 ngàn đồng/kg. Cá lăng nha được người tiêu dùng ưa chuộng bởi thịt trắng, thơm ngon. Tuy nhiên lượng cá lăng nha tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là khai thác tự nhiên và ngày càng cạn kiệt. Trước thực trạng này, năm 2002, khoa Thủy sản Trường Đại học Nông-Lâm TP Hồ Chí Minh đã cho sinh sản thành công giống cá lăng nha, mở ra hướng mới cho mô hình nuôi cá lăng nha trong nước.
Nguồn cá lăng nha bố mẹ được TTGTSBĐ tuyển chọn từ Trường Đại học Nông- Lâm TP Hồ Chí Minh. Sau 3 năm nuôi thử nghiệm, hiện TTGTSBĐ đã ương nuôi thành công và đã chủ động được nguồn giống cung cấp cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học “Cho sinh sản, ương, nuôi thương phẩm cá lăng nha tại Bình Định” do thạc sĩ Trần Văn Phúc, Giám đốc TTGTSBĐ, làm chủ nhiệm đề tài, vừa được Hội đồng KHCN chuyên ngành tỉnh nghiệm thu xếp loại khá. Từ kết quả của đề tài này, trong những năm tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh sản xuất cá lăng nha giống để phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh.
Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu, TTGTSBĐ cũng đã hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm loại cá này. Thạc sĩ Trần Văn Phúc cho biết: “Nhìn chung, cá lăng nha sinh trưởng khá chậm. Qua các mô hình nuôi thử nghiệm cho thấy, cá nuôi trong lồng có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn so với nuôi trong ao. Sau 13 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ trung bình 930g - 1.100g/con. Tốc độ sinh trưởng cao nhất ở lồng thả nuôi với mật độ 60 con/m3 và tốc độ sinh trưởng tốt nhất ở ao nuôi với mật độ 4 con/m2”.
Thành công trong việc nuôi thương phẩm cá lăng nha sẽ thêm một lựa chọn mới cho những người nuôi thủy sản ở Bình Định, nhất là các hộ nuôi thủy sản ở các vùng nước ngọt trong tỉnh, mở ra một hướng mới, thay thế dần các sản phẩm cá nước ngọt có giá trị kinh tế thấp, khó tiêu thụ. Tuy nhiên, theo tính toán của đề tài, chi phí nuôi thương phẩm cá lăng nha tương đối cao, dao động từ khoảng 65.000-72.000đồng/kg, trong đó chi phí lớn nhất là thức ăn. Với mức giá cá thương phẩm hiện nay từ 100-110 ngàn đồng/kg, thì các mô hình nuôi đều có lãi cao. Nhưng nếu việc nuôi thương phẩm phát triển một cách ồ ạt sẽ dễ dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu, đầu ra không ổn định, khó tiêu thụ. Vì vậy, cần có những định hướng cụ thể, phù hợp trên cơ sở tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường để việc nuôi thương phẩm cá lăng nha phát triển một cách bài bản. Hơn nữa, việc nuôi cá thương phẩm cần được thực hiện đúng quy trình đã được nghiên cứu nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất cho người nuôi.
>> “Cần có những định hướng cụ thể, phù hợp trên cơ sở tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường để việc nuôi thương phẩm cá lăng nha phát triển một cách bài bản”