Mô hình được thực hiện từ tháng 5.2011, trên quy mô 90m3, với 2 lồng nuôi, có 5 hộ thanh niên ở thôn Hội Sơn tham gia, thả nuôi 7.200 con cá diêu hồng. Ngoài phần kinh phí được hỗ trợ, các hộ tự thả nuôi thêm 8 lồng cá nữa, với tổng kinh phí đầu tư trên 110 triệu đồng.
Mô hình này đã mang lại hiệu quả trong việc giúp thanh niên trong thôn có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập để chăm lo cho gia đình, không phải đi xa làm thuê. Thấy mô hình làm kinh tế này phát huy hiệu quả, anh Nguyễn Tiến Dũng, 1 trong 5 hộ được Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư Bình Định hỗ trợ nói trên tiếp tục rủ thêm 4 thanh niên khác trong xóm Sơn Tuyền tuổi từ 28 đến 38 hùn vốn nuôi cá. Các anh đấu giá sử dụng tích mặt nước hồ Hội Sơn với mức 12 triệu đồng/năm để làm 4 lồng nuôi cá, mỗi lồng có dung tích khoảng 45m3.
Anh Nguyễn Hồng Thu, thành viên của nhóm thanh niên hùn vốn nuôi cá, cho biết: “Trước đây, tôi làm nghề đánh bắt cá trên hồ Hội Sơn nên thu nhập bấp bênh, thời gian nhàn rỗi nhiều. Nhờ thực hiện mô hình này, 5 anh em ở trong xóm đã có thêm việc làm và thêm thu nhập. Kỹ thuật nuôi cá lồng bè cũng không có gì khó, nông dân chúng tôi sau khi được tập huấn hướng dẫn đều nắm bắt và làm được, từ khâu thả cá, chăm sóc, cho cá ăn, theo dõi cá, phòng trị bệnh cho cá…, và có thể hướng dẫn cho người khác cùng làm được”.
Việc nuôi cá lồng trên hồ Hội Sơn cho thu nhập khá cao. Bình quân, mỗi lồng cá đem lại lợi nhuận trên dưới 10 triệu đồng/chu kỳ nuôi (khoảng 4 tháng), việc tiêu thụ cũng khá thuận lợi. Điển hình là anh Đinh Chí Quyết, chủ của 24 lồng cá trên hồ Hội Sơn. Trong năm 2011, anh Quyết thu hoạch trên 50 tấn cá diêu hồng, doanh thu trên 200 triệu đồng, lãi 60 triệu đồng.
Như vậy, nhờ biết khai thác tiềm năng, điều kiện sẵn có tại địa phương, nhiều thanh niên thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn, Phù Cát đã tự tạo việc làm thêm, tăng thu nhập cho gia đình; ngoài ra, còn góp phần tạo ra nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.