Tuy nhiên, thời gian gần đây, sản lượng giống cá chình trên đầm Trà Ổ ngày càng cạn kiệt. Theo nhiều người dân sống ven đầm, từ khi đập ngăn mặn Hòa Tân được xây dựng (năm 1978), sự giao thoa giữa 2 dòng nước ngọt mặn đã bị hạn chế, chình con ít có điều kiện vào đầm, cá chình mẹ di cư về biển để đẻ cũng khó khăn.
Trong những năm gần đây, huyện Phù Mỹ đã tích cực bảo vệ và tái tạo nguồn lợi trên đầm Trà Ổ thông qua nhiều hoạt động như: thành lập Hội đồng liên xã bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả giống tái tạo,… Đặc biệt, việc phát triển nghề nuôi cá chình thương phẩm trên địa bàn huyện ngày càng phát triển mạnh, góp phần bảo vệ nguồn lợi và đáp ứng nhu cầu cá chình thương phẩm ngày càng cao của thị trường.
Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi thương phẩm
Năm 2021 và 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai thực hiện mô hình Nuôi cá chình thương phẩm trong ao đất tại xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) với quy mô 500 m2/điểm trình diễn. Nguồn con giống cá chình bông tự nhiên với kích cỡ đồng đều 100 gam/con, khỏe mạnh, không mất nhớt đã được cơ sở thu mua cung cấp cho các hộ dân để thả nuôi.
Theo ông Võ Tuấn Tú, cơ sở cung cấp cá chình giống tại Cù Lao Châu Trúc, xã Mỹ Châu: cá chình là loài cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định do nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ. Tại Bình Định, cá chình chủ yếu phân bố trên đầm Trà Ổ, hầu hết nguồn con giống cung cấp cho nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh đều được khai thác tự nhiên trên đầm này.
Cá chình chưa thực hiện sinh sản nhân tạo được, con giống chủ yếu được khai thác từ tự nhiên để thả nuôi. Đến mùa, cá chình con di chuyển từ biển vào các cửa sông, lúc ấy con chình chỉ nhỏ bằng cọng tóc, nên được gọi chình bột. Ngư dân địa phương đi vớt về bán, ông mua về vừa nuôi thương phẩm, vừa ương chình giống bán cho các hộ nuôi khác.
Ông Phạm Văn Khớ (thôn 11, xã Mỹ Thắng) cho biết: đầu năm 2022, được sự hỗ trợ 50% kinh phí về con giống và vật tư thiết yếu của Trung tâm Khuyến nông, ông tiến hành thả 500 con cá chình giống vào ao nuôi diện tích 500 m2. Theo ông, để cá có tỷ sống cao cần phải lựa chọn con giống thật kỹ, kích cỡ phải đồng đều; nguồn nước không bị ô nhiễm; thức ăn tươi sống hoặc chế biến, đảm bảo hàm lượng đạm cao 45 – 50%, cho cá ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trong quá trình nuôi phải chú ý, cá chình ưa bóng tối vì vậy cần tạo điều kiện cho cá sinh trưởng và phát triển bằng cách tạo ra các hang hốc cho cá ẩn nấp, tránh cường độ ánh sáng cao.
Cá chình sau 9 tháng nuôi. Ảnh: NTN
Nhờ vậy, sau 9 tháng thả nuôi, cá chình đạt tỷ lệ sống khá cao 92%, trọng lượng trung bình đạt 0,9 kg/con, sản lượng thu được 414 kg. Sau thi tính toán các chi phí, ông Khớ ước tính thu lại lợi nhuận hơn 82 triệu đồng. Theo ông Khớ, trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục theo dõi, chăm sóc đến thời điểm thu hoạch để có cơ sở đánh giá chi tiết hơn về hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại.
Tích cực chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai mô hình này cho các hộ nuôi trồng thủy sản ven đầm Trà Ổ tại xã Mỹ Đức. Bước đầu, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn được hộ dân để triển khai thực hiện. Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá chình thương phẩm cho các hộ dân trên địa bàn xã.
Ngày 09.3, tại xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ) Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá chình thương phẩm trong ao đất cho hơn 10 hộ nuôi cá nước ngọt ven đầm Trà Ổ. Tham gia lớp tập huấn, các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật xây dựng và cải tạo ao nuôi; cách chọn con giống để giảm tỷ lệ hao hụt; kỹ thuật cho ăn, chăm sóc và bảo vệ để tránh thất thoát vào mùa mưa lũ; phòng và trị một số bệnh thường gặp,….
Việc chuyển giao mô hình nuôi cá chình thương phẩm nhằm tuyên truyền, nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho các hộ nuôi tham quan, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình, đem lại thu nhập ổn định. Qua đó góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá chình có nguy cơ ngày càng cạn kiệt.