Ngành nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang được Bình Định ưu tiên phát triển để nâng cao năng suất, chất lượng tốt, tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường, theo hướng sản xuất bền vững.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản của tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 là tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển hiện đại và bền vững. Trong đó, ngành nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được ưu tiên khuyến khích phát triển để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Đến nay, tỉnh Bình Định đã phát triển nhiều dự án nuôi tôm công nghệ cao.
Bình Định hiện có 4.300 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 2.300 ha nuôi nước lợ, chủ yếu là nuôi tôm. Hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 9.600 tấn thủy sản, trong đó có gần 7.000 tấn tôm. Trong quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản của tỉnh Bình Định, tỉnh này dành nhiều diện tích ven biển để phát triển nuôi tôm công nghệ cao. Hiện một số công ty cũng đang triển khai dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại huyện Phù Cát. Đây là những tín hiệu đáng mừng, bởi nó sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp Bình Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.