Từ năm 2009, đề tài “Đánh giá tiềm năng và xây dựng quy trình kỹ thuật ương - nuôi cá điêu hồng trong lồng năng suất cao” do Sở NN-PTNT cùng Sở KH-CN Bình Định triển khai cho thấy nghề nuôi cá điêu hồng trong lồng bè phù hợp với các hồ chứa nước lớn.
Từ đó, nghề nuôi cá lồng bè ở tỉnh này bắt đầu phát triển, đơn cử như mô hình nuôi cá điêu hồng ở hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) đã cho hiệu quả trông thấy.
Theo ngành chức năng, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 82,6ha, trong đó diện tích mặt nước nuôi cá lồng trong lòng hồ Định Bình 11.025m2, sản lượng khoảng 352 tấn/năm, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động, cho người nuôi cá mức thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/năm. Số lượng lồng nuôi bình quân năm sau tăng hơn năm trước.
Gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Định An, thị trấn Vĩnh Thạnh là 1 trong 23 hộ dân đầu tiên ở đây tham gia nuôi cá điêu hồng trong lòng hồ Định Bình cho biết: “Gia đình tui nuôi 2 bè gồm 16 lồng, vốn đầu tư ban đầu gần 150 triệu đồng, mỗi năm nuôi 2 vụ tôi có thu nhập gần 250 triệu đồng nên cũng có của ăn của để”.
Hơn 10 năm qua, ông Huỳnh Hữu Trí ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo là người gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên hồ Định Bình. Ông Trí chia sẻ: “Sản lượng cá điêu hồng nuôi lồng ở hồ Định Bình đạt khoảng 1 tấn/lồng, giá cá thương phẩm bán ra 46.000 đồng/kg (từ 0,5 – 0,7kg/con). Người nuôi ít nhất là 6 lồng, người nuôi nhiều nhất là 24 lồng, mỗi năm nuôi 2 vụ, thu nhập từ 80 - 250 triệu đồng/năm tùy nuôi nhiều hay ít. Hiện cá điêu hồng được tiêu thụ mạnh, người nuôi cá có thu nhập khá”.
Ông Trí nuôi cá điêu hồng từ năm 2009, những vụ đầu vì thiếu kinh nghiệm nên không đạt hiệu quả, năng suất thấp. Từ đầu năm 2012, việc nuôi cá điêu hồng bằng lồng bè ở đây cho năng suất cao và giá cá tăng khá nên ông có thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu.
Ông Man Thành Năm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hảo cho biết, nghề nuôi cá lồng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu SX của địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề ở nông thôn. “Để nghề nuôi cá lồng bền vững, Hội sẽ phối hợp tăng cường quản lý chất lượng cá giống, mở các lớp đào tạo kỹ thuật; xây dựng các mô hình tổ chức SX theo hình thức tổ hợp tác, chỉ đạo bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường nuôi... Đặc biệt là xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa SX và tiêu thụ sản phẩm để tạo ra thị trường ổn định; góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương”, ông Năm nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh, phong trào nuôi cá lồng trên địa bàn huyện này trong thời gian qua tăng mạnh là do thời gian gần đây người dân đã từng bước tiếp cận với hình thức lồng nuôi công nghệ mới, chi phí thấp, dễ chăm sóc, quản lý. Cùng với đó là sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành chức năng, giúp người dân yên tâm đầu tư SX.
“Để đạt hiệu quả cao, các hộ nuôi chọn những giống cá chủ yếu như cá trê, điêu hồng, rô phi. Ưu điểm nổi bật của nuôi cá lồng là tiết kiệm được diện tích mặt nước; do lưu lượng dòng chảy thay đổi liên tục nên môi trường nuôi cá trên hồ sạch hơn, cá ít bị nhiễm bệnh, năng suất cao”, ông Xuân cho biết.
“Người nuôi cá lồng trong hồ Định Bình đã dày dạn kinh nghiệm chăm sóc cũng như phòng ngừa và trị bệnh cho cá để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Tỉ lệ sống của cá điêu hồng nuôi trong lồng khá cao, trên 80%. Độ sâu và dòng chảy phù hợp, nguồn nước trong sạch không bị ô nhiễm, đó là những điều kiện thuận lợi phát triển bền vững nghề nuôi cá điêu hồng ở hồ chứa nước Định Bình”, ông Nguyễn Hữu Xuân.