Theo đó, tại Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 13/6/2024 của UBND tỉnh Bình Định về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Bình Định, UBND tỉnh đã đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể như:
Về nhiệm vụ
- Thực hiện nghiêm công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Rà soát hồ sơ cấp xác nhận, chứng nhận của cơ quan thủy sản với hồ sơ tại các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
- Rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác (bến cá, cảng cá…) tổ chức giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương.
- Đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản; thuyền trưởng phải thông báo trước 01 giờ khi cập cảng và thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá.
- Triển khai thực hiện truy xuất thủy sản khai thác qua hệ thống điện tử (eCDT), đảm bảo phê duyệt tất cả tàu cá ra, vào cảng, nộp nhật ký khai thác, bản ghi sản lượng bốc dỡ qua cảng, cấp giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ, cấp giấy xác nhận nguyên liệu và giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản.
Tàu cá Việt Nam
Về giải pháp thực hiện
- Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đảm bảo hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản đầy đủ, lưu trữ có hệ thống, dễ truy cập, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ khâu kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng qua cảng, thẩm định dữ liệu với cơ sở dữ liệu tàu cá, dữ liệu giám sát hành trình, danh sách tàu cá IUU, đến hồ sơ kiểm soát tại các doanh nghiệp xuất khẩu; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ (nếu đủ căn cứ xử lý hình sự) đặc biệt tập trung vào các loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm.
- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản, các Ban quản lý cảng cá phối hợp với các Đồn/Trạm Biên phòng biên phòng triển khai và hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp thực hiện truy xuất thủy sản khai thác điện tử (eCDT), đảm bảo phê duyệt tất cả tàu cá ra, vào cảng, nộp nhật ký khai thác, bản ghi sản lượng bốc dỡ qua cảng, cấp giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ, cấp giấy xác nhận nguyên liệu và giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản được thực hiện qua hệ thống eCDT. Đồng thời, triển khai có hiệu quả thí điểm ứng dụng hệ thống nhật ký điện tử trên tàu khai thác xa bờ trên địa bàn tỉnh Bình Định.
- Thường xuyên tổ chức Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao có liên quan công tác chứng nhận sản lượng, truy xuất nguồn gốc từ khai thác đối với các tổ chức, cá nhân, các Doanh nghiệp có liên quan thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.
- Bố trí đủ nhân lực tại các cảng cá chỉ định thực hiện xác nhận nguồn gốc
nguyên liệu thủy sản từ khai thác (tối thiểu 02 người có chuyên môn về thủy sản và hệ thống máy tính truy cập vào cơ sở dữ liệu về thủy sản) thực hiện được việc kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định./.