Bình Định là 1 tỉnh ven biển miền Trung với chiều dài bờ biển trên 134 km và có 03 đầm Trà Ổ, Thị Nại, Đề Gi với tổng diện tích gần 8.000 ha, hơn 164 hồ chứa và 04 con sông lớn. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản với các hình thức ngọt, lợ, mặn. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 là 4.544 ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ là 2.284 ha. Sản lượng NTTS toàn tỉnh 13.406 tấn, trong đó sản lượng tôm nước lợ 9.538 tấn.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản cho biết đến nay Bình Định đã cấp 646 Giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng/bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Trong đó, có 645 Giấy xác nhận đối với cơ sở nuôi tôm Thẻ chân trắng/Sú thương phẩm (chiếm 25,6% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh) và 01 Giấy xác nhận đối với cơ sở nuôi cá lồng trong hồ chứa với thể tích là 21.600 m3 (chiếm 35% tổng thể tích nuôi lồng nước ngọt cả tỉnh).
Nhơn Hội là một xã bán đảo thuộc thành phố Quy Nhơn, nằm ven đầm Thị Nại. Phần lớn dân cư ở địa phương sinh sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Toàn xã có 121 tàu khai thác thủy sản với tổng công suất 4.235 CV và 97 hộ nuôi nuôi trồng thủy sản ( 82 hộ nuôi tôm, 15 hộ nuôi cá mú) với diện tích 62,9 ha. Sản lượng đạt được năm 2023 đạt 139 tấn. Trong đó có 67 hộ/32,83 ha thuộc diện phải đăng ký cấp Giấy xác nhận đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm thẻ chân trắng, tôm sú) theo Luật Thủy sản năm 2017.
Để đăng ký đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực, hồ sơ đăng ký phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: daidoanket
Để bảo đảm công tác thực hiện đăng ký và cấp Giấy xác nhận đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm thẻ chân trắng, tôm sú) đạt hiệu quả, tại buổi làm việc, bà con ngư dân đã được cán bộ Chi cục Thủy sản hướng dẫn đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực theo Quy định tại Điều 36 Nghị định 26/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Hồ sơ đăng ký bao gồm đơn đăng ký theo Mẫu số 26.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 26; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản hoặc giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản;
Theo đó để đơn giản hoá thủ tục hành chính về đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, Chi cục Thủy sản cũng đã hướng dẫn chi tiết: Đối với trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác nhận bằng văn bản khu vực nuôi nằm trong khu vực được phép nuôi trồng thủy sản;
Tôm thẻ chân trắng, tôm sú là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực. Ảnh: Tép Bạc
Đối với trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa sang tên, đổi chủ, người dân nêu rõ trong đơn về quyền sử dụng hợp pháp của người đăng ký nuôi trồng thủy sản đối với khu vực đất đăng ký để nuôi trồng thủy sản và chịu toàn bộ trách nhiệm nếu xảy ra tranh chấp. Đối với trường hợp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất đang thế chấp tại ngân hàng, địa phương ban hành văn bản đề nghị ngân hàng trên địa bàn quản lý có nhận thế chấp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất cho photocopy để hỗ trợ người dân.
Được biết theo kế hoạch, sau ngày 31/03/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/05/2019 của Chính Phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.