Trong những năm qua, phong trào nuôi cá nước ngọt đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định. Bên cạnh những giống cá truyền thống, việc đưa vào nuôi các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao là yêu cầu cấp thiết để nhằm tạo bước đột phá mức tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích mặt nước, đồng thời bổ sung sản phẩm hàng hóa đa dạng cho người nông dân.
Trong tháng 6 năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã tổ chức chương trình gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nông dân để bàn về các giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi cá nước ngọt. Tham dự chương trình có sự tham gia của các đại biểu đến từ Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT và 140 hộ nuôi cá nước ngọt của huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh.
Tại các buổi trao đổi trực tiếp, các đại biểu và người dân đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về kỹ thuật nuôi một số đối tượng cá nước ngọt có hiệu quả kinh tế cao; các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh hiệu quả và bàn về các giải pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Quang Nhựt, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Việc tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi từ khâu cải tạo ao nuôi đến khâu thả giống và chăm sóc quản lý sẽ quyết định đến hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện vùng nuôi, thị hiếu thị trường và đặc biệt phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi hộ dân là hết sức cần thiết.
Chia sẻ tại các buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Văn Chinh, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết thêm: tình hình sản xuất của bà con chưa thật sự đồng bộ, chưa tuân thủ đúng lịch thời vụ và quy trình kỹ thuật nuôi. Bên cạnh đó, việc một số hộ nuôi cố tình bán phá giá, làm lợi cho tiểu thương nhưng lại hại cho các hộ nuôi còn lại. Vì vậy, trong thời gian đến, các cơ quan chuyên trách của huyện sẽ làm việc với các hộ nuôi, cùng nhau tìm cách tháo gỡ và có giải pháp phát triển đồng bộ nghề nuôi cá nhằm mang lại hiệu quả lâu dài, lợi ích bền vững.