Hàu thuộc nhóm nhuyễn thể (hàu, nghêu, ốc, điệp và nhuyễn thể có vỏ khác) là một tiềm năng thế mạnh của nước ta, tuy nhiên, thực trạng còn nhiều thách thức và các nhà khoa học ở Trung tâm Quốc gia giống Hải sản Nam Bộ nêu giải pháp cải thiện để nâng cao hiệu quả.
Thực trạng với những thách thức
Công tác sản xuất giống
Giống hàu ở nước ta có nguồn gốc từ hàu tự nhiên ở các cửa sông và một số qua nuôi trồng như hàu sữa. Phương pháp sản xuất giống là bắt hàu tự nhiên ở cửa sông và sản xuất. Quy trình từ hàu bố mẹ, cho trứng thụ tinh, nở ra ấu trùng, nuôi con giống.
Nước ta đang có khoảng 600 trại giống, quy mô chủ yếu là hộ gia đình nhỏ lẻ. Tập trung phần lớn ở miền Bắc với hơn 400 trại, tại các địa phương Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng. Còn miền Trung có trại giống ở Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Miền Nam có trại giống ở Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM.
Thách thức trong công tác sản xuất giống: Công nghệ sản xuất giống hạn chế. Liên kết nghiên cứu và sản xuất còn yếu. Chất lượng chưa ổn định; có dấu hiệu suy giảm nguồn lợi, gen hàu; và thoái hóa giống hàu sữa.
Nuôi thương phẩm
Dựa vào điều kiện tự nhiên thuận lợi với bờ biển dài, nhiều vịnh và cửa sông phù hợp cho hàu phát triển. Thời gian qua đã tăng quy mô nuôi trồng với diện tích đạt hơn 5.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn. Hình thức nuôi khá đa dạng với nuôi giàn bè truyền thống và dây phao nổi. Giàn bè truyền thống hoặc dây phao nổi được treo dây, rổ nuôi hàu; ở bãi triều treo dây nuôi hàu sữa.
Nuôi thương phẩm đang đứng trước những thách thức lớn về quản lý và quy hoạch vùng nuôi
Nuôi thương phẩm đang đứng trước những thách thức lớn về quản lý và quy hoạch vùng nuôi. Từ đó đã dẫn tới môi trường ô nhiễm, tăng dịch bệnh, làm suy thoái chất lượng giống nhân tạo, suy giảm nguồn lợi. Nhiều nơi hàu nuôi đã tăng trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp nên thời gian nuôi dài và hiệu quả giảm.
Chế biến và tiêu thụ
Hàu đang được tiêu thụ sống và qua chế biến. Chế biến có hàu đông lạnh (nguyên con hoặc tách nửa vỏ), hàu ruột (ruột hàu sữa, thịt hàu sữa); sản phẩm gia tăng có hàu nướng phô mai, bột hàu, mắm hàu, ruốc hàu, nước mắm hàu.
Thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nội địa chủ yếu tiêu thụ ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khành Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu. Xuất khẩu đi các thị trường chính là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Thách thức trong chế biến và tiêu thụ hàu: Công nghệ chế biến còn hạn chế, nhất là công nghệ chế biển sản phẩm giá trị gia tăng. Kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thật sự đảm bảo. Chưa xây dựng được thương hiệu hàu Việt Nam.
Đề xuất và giải pháp phát triển
Sản xuất giống hàu
Trước tiên, tập trung nâng cao chất lượng giống. Với các giải pháp cụ thể: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống hàu bản địa, lưu giữ nguồn gene giống hàu, phát triển chọn lọc giống. Trong phát triển chọn lọc giống, chú trọng đánh dấu gen (SNP) - chọn giống CTPT (GBLUP) và đánh dấu cá thể - chọn lọc truyền thống (BLUP) tại viện nghiên cứu.
Tiếp theo, cải thiện quy trình sản xuất giống. Để đạt kết quả bền vững, giải pháp là: đào tạo và nâng cao trình độ nhân lực cho các cơ sở sản xuất giống, hợp tác giữa cơ sở sản xuất giống và viện nghiên cứu. Ứng dụng công nghệ sản xuất giống tiên tiến. Kiểm soát chất lượng chặt chẽ.
Nuôi thương phẩm
Xây dựng và phát triển công nghệ nuôi tiên tiến. Tăng cường quản lý dịch bệnh và môi trường. Đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người nuôi. Đặc biệt, chú trọng phát triển liên kết chuỗi giá trị. Có chính sách hỗ trợ từ chính phủ: Hỗ trợ tài chính và tín dụng; xây dựng khung pháp lý và chính sách quản lý.
Chế biến và tiêu thụ
Quan tâm đào tạo nhân lực chế biến và đầu tư công nghệ chế biến hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Quan tâm ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch và bổ sung dinh dưỡng, trong đó có những quy trình tiên tiến như hệ thống làm sạch tuần hoàn và cho ăn tảo. Từ con hàu, công nghệ hiện đại đã chế biến được hơn 20 sản phẩm giá trị gia tăng.
Phát triển hệ thống tiêu thụ trong nước, phát triển thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu hàu Việt Nam.
Xây dựng liên kết chuỗi giá trị, nâng cao năng lực quản lý chuỗi cung ứng. Có chính sách hỗ trợ từ nhà nước, tín dụng ưu đãi và xúc tiến thương mại.