Chật vật tìm đường
Ông Vân từng thử trồng dừa trên mảnh đất cha ông để lại nhưng không mấy hiệu quả. Ông tâm sự: “Đất chỗ tôi đây khô cằn, lại không có chất dinh dưỡng nên mọi người không trồng cây ăn quả được, họ rủ nhau trồng dừa. Sau một thời gian thấy không mang lại lợi nhuận nên hầu hết mọi người ở đây đều chuyển sang mô hình canh tác khác”. Cũng như nhiều gia đình ở địa phương, ông Vân lại bắt tay vào tìm kế mưu sinh khác. Loay hoay một thời gian, ông quyết định tận dụng lợi thế nguồn nước từ sông Sài Gòn để đào ao thả cá.
Tuy nhiên, nuôi cá cũng không phải là công việc đơn giản. Bởi người mới bắt đầu làm thường thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn vốn nên lợi nhuận không cao. Thời đầu, ông Vân thả nhiều loại cá khác nhau nhưng nuôi không đúng kỹ thuật và lỏng lẻo trong việc quản lý nên cá chết rất nhiều, sản lượng thu hoạch rất thấp. Đó là còn chưa kể việc nuôi các loại cá không có định hướng rõ ràng khiến cho đầu ra phụ thuộc vào giá cả thị trường rất nhiều.
Khó khăn là vậy, nhưng ông Vân vẫn không bỏ cuộc. Qua nghiên cứu ông thấy cá tai tượng lúc bấy giờ rất ít người nuôi, lợi nhuận lại cao. Suy đi tính lại một thời gian, ông quyết định chuyển sang nuôi loại cá này với hy vọng thoát nghèo.
Ổn định với cá tai tượng
Năm 2002, ông Vân bắt tay vào nuôi cá tai tượng. Với diện tích mặt nước khoảng hơn 2.000m2, ông Vân chia ra làm 4 hồ nhỏ, mỗi hồ chứa khoảng 2.000 con cá giống. Ngoài ra ông còn nuôi thêm một số cá tra, cá trê để làm vệ sinh cho ao. Chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi cá, ông nói: “Khi thu hoạch cá xong; ao phải được cải tạo thật kỹ bằng cách: tháo cạn nước ao, vét lớp bùn đáy, diệt cá tạp, bón vôi, phơi đáy ao lâu hơn so nuôi các loài cá khác. Nước qua xử lý đến khi có màu xanh lá chuối non thì tiến hành thả cá giống. Mua giống phải chọn nơi có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, chọn con cá khỏe, không bị xây xát, tương đối đều cỡ và có giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng”.
Ông cũng cho biết, nuôi cá tai tượng mang lại thu nhập ổn định hơn nhiều so với các loại cá khác. Bởi thức ăn cho cá chủ yếu là các loại rau xanh, bèo. Thường thì cá tai tượng 2 năm thu hoạch một lần. Cứ thế 4 hồ cá của ông hàng năm đều thay nhau mang lại lợi nhuận rất ổn định về cho gia đình. Tính trung bình, mỗi năm một ao cá của ông thu hoạch được khoảng 2.000 con cá tai tượng, tương đương với 2 tấn cá, mang về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Vị chi, mỗi năm ông thu đều 400 triệu đồng từ các hồ cá, một con số mơ ước đối với chính ông và cả những người làm nông nghiệp khác.
Ông Lưu Văn Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Phú cho biết, hiện tại phường còn 19 hộ nông dân nuôi cá tai tượng với diện tích đất 11.300m2. Theo số liệu thống kê thì số hộ gia đình nuôi cá tai tượng đã giảm khá nhiều so với những năm trước mà nguyên nhân chính là do nguồn nước bị ô nhiễm, nên phần lớn các hộ gia đình chuyển sang trồng trọt hoặc chăn nuôi gà, heo... Đây cũng chính là nỗi lo lắng của ông Vân khi nguồn nước là vấn đề sống còn đối với nghề nuôi cá tai tượng. Nếu nguồn nước cứ tiếp tục bị ô nhiễm như trong thời gian qua, rủi ro đối với người nuôi cá là khá cao, thậm chí phải bỏ nghề. Chính vì thế, ông Vân cũng như nhiều hộ nuôi cá khác đều có chung mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp bảo đảm nguồn nước trong sạch cho việc nuôi cá.