Điều này được lý giải là do giá một số loại nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản gia tăng nhẹ trong tháng qua, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn dẫn đến tình trạng này là do ngành sản xuất thức ăn thủy sản đang phải chịu sự chi phối gần như hoàn toàn của các doanh nghiệp nước ngoài.
Thâu tóm thị trường
Mối quan hệ giữa các chuỗi mắc xích của các mặt hàng thủy sản thời gian qua cho thấy, trong các khâu của quá trình sản xuất từ thức ăn, con giống đến người nuôi trồng thủy sản, thu mua chế biến xuất khẩu thì người nuôi thủy sản luôn chịu thiệt thòi nhiều nhất. Nói như vậy là bởi, dù giá nguyên liệu đầu vào khâu nuôi có tăng, giá thành sản xuất cao đến đâu thì giá bán thủy sản thương phẩm vẫn phụ thuộc vào thị trường, vào cánh thương lái, doanh nghiệp thu mua. Họ chẳng có quyền quyết định giá bán sao cho mình có lợi nhuận hợp lý nhất mà phải chấp nhận rủi ro theo quan hệ cung cầu, thậm chí bị ép giá. Điều này khiến nông dân lắm khi phải chịu cảnh sản xuất lỗ hay hòa vốn, và nếu không muốn tuân theo luật chơi này thì nông dân chỉ còn cách… nghỉ nuôi.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản thì lại khác, khi giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, tỷ giá ngoại tệ hay giá xăng dầu tăng thì các doanh nghiệp này đều “có cớ” để tăng giá, thậm chí khi thấy giá các loại thủy sản thương phẩm ở mức cao, người nuôi có lãi lớn, diện tích nuôi tăng thì giá thức ăn thủy sản cũng lên theo do “cháy hàng”, như lời của một chủ đại lý thức ăn tôm ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) tâm tư. Hay nói khác đi, các doanh nghiệp này không bao giờ “chịu” lỗ. Điều đáng nói hơn, giá thức ăn thủy sản trong thời gian qua chỉ có tăng chứ không hề giảm hoặc nếu có giảm thì cũng chẳng đáng bao nhiêu. Điều này có phải chăng là do ngành sản xuất thức ăn thủy sản của Việt Nam đang nằm trong tay của các doanh nghiệp nước ngoài, khi 80% thị phần mặt hàng thức ăn thủy sản thuộc về các doanh nghiệp này.
Thực tế, ngành tôm đã phát triển hàng chục năm nay và là mặt hàng xuất khẩu có lợi thế bậc nhất của ngành thủy sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu hàng năm lên tới hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên, phần cung ứng thức ăn thủy sản (chiếm 70-80% chi phí nuôi) lại hoàn toàn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài và trong thời gian tới cũng khó có doanh nghiệp trong nước nào có xâm chiếm thị trường này. Theo kết quả thống kê sơ bộ thị trường thức ăn thủy sản, hiện các công ty nước ngoài trong lĩnh này như: Uni-President, Grobest (Đài Loan), C.P (Thái Lan), Tomboy (Pháp),… gần như độc chiếm toàn bộ thị trường thức ăn tôm. Riêng 3 “đại gia” là Uni-President Việt Nam, C. P Việt Nam và Grobest đã chiếm tới 70-80% thị phần mặt hàng này.
Đối với ngành hàng cá tra, tình hình cũng chẳng mấy khá hơn, bởi theo đánh giá của Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, sự có mặt của một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn trong nước trên thị trường hiện nay như: Việt Thắng, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Cỏ Mây… là nhờ các doanh nghiệp này cung ứng thức ăn cho các vùng nuôi cá tra nguyên liệu riêng của doanh nghiệp, chứ không phải hoàn toàn do phân phối ra thị trường. Ở phân khúc thị trường này, các công ty ngoại như Uni-President, Grobest (Đài Loan), C.P, Green Feed (Thái Lan), Cargill (Mỹ), Proconco (liên doanh với Pháp)… cũng chiếm đến 60-70% thị phần.
Một số đại lý thức ăn thủy sản cũng phản ánh, hiện nay có tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng chiến lược “bán giá cao” nhằm đánh vào tâm lý “tiền nào của nấy” của nông dân và chiết khấu cao cho đại lý với mức 5.000-6.000đồng/kg thức ăn để đẩy hàng (trong khi các công ty khác chỉ 2.500-3.000 đồng/kg), đây cũng là nguyên nhân đẩy mặt bằng giá thức ăn thủy sản tăng cao trong thời gian qua.
Áp lực cho nông dân
Những ngày này, đi vào các vùng nuôi thủy sản, đâu đâu cũng nghe bà con than vãn chuyện giá thức ăn thủy sản tiếp tục tăng khiến chi phí nuôi “đội lên”, trong khi dịch bệnh tăng cao, giá thủy sản thương phẩm giảm mạnh.
Ông Nguyễn Văn Trung, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, từ đầu năm đến nay giá thức ăn tôm đã lên 2 lần với mức tăng tổng cộng khoảng 1.500 đồng/kg. Mới đây, giá thức ăn tôm đã lên 900 đồng/kg. Hiện thức ăn tôm sú giai đoạn tôm 3-4 tháng tuổi có giá 36.500 đồng/kg, thức ăn tôm thẻ chân trắng 2-3 tháng tuổi cũng có giá gần 29.000 đồng/kg. Còn đối với thức ăn cá tra, nhiều bà con nuôi cá cho biết, giá cũng vừa tăng 300-400 đồng/kg tùy theo công ty, với mức giá thức ăn cá tra loại 26 độ đạm hiện tại là 11.500 đồng/kg.
Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến trung tuần tháng 7/2012, Sóc Trăng có hơn 11.649 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm gần 40% tổng diện tích xuống giống; Cà Mau có hơn 11.500 ha tôm nuôi bị bệnh; Bạc Liêu có hơn 10.000 ha, trong đó, hơn 4.600 ha bị thiệt hại trên 50%; Tiền Giang có hơn 650 ha, chiếm 35% diện tích. Những con số này cho thấy nhu cầu thức ăn tôm trên thị trường giảm mạnh do tôm phải “thu hoạch sớm”. Bên cạnh đó, diện tích thả nuôi cá tra cũng giảm so với cùng kỳ năm trước do giá cá ở mức thấp trong thời gian dài, người nuôi thua lỗ, thiếu vốn thả nuôi.
Nhiều người nuôi thủy sản cho biết, năm ngoái, dù giá thức ăn tôm tăng khoảng 10 lần nhưng nông dân không quan tâm lắm do giá tôm thương phẩm ở mức giá cao “kỷ lục”, người nuôi vẫn có “lãi khủng”. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản đã lợi dụng tâm lý này của nông dân để “té nước theo mưa”, nhưng tăng rồi không thấy giảm. Tuy nhiên, năm nay tình hình đã khác hẳn, giá tôm giảm mạnh tới 50%, giá cá tra thương phẩm luôn dưới giá thành sản xuất, nên thức ăn thủy sản chỉ cần tăng giá dù chỉ một lần là nông dân lại “tăng xông”. Do đó, để giảm sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, hiện nhiều người nuôi tôm, cá đang tính chuyện trở lại thời kỳ sử dụng thức ăn thủy sản tự chế để giảm chi phí?!
Hiện nay, để đầu tư nuôi 1 ha cá tra với năng suất 300 tấn cá/vụ, người nuôi cần khoảng 7 tỷ đồng, trong đó tiền đầu tư thức ăn lên đến 6 tỷ đồng. Đối với nuôi tôm, chi phí đầu tư cũng tăng gần 30% so với năm ngoái, chủ yếu là do giá thức ăn, con giống tăng cao. Trong khi đó, những năm gần đây, rủi ro trong nuôi thủy sản của nông dân ngày càng cao, giá thành càng bấp bênh nên các loại nguyên liệu đầu vào như thức ăn, con giống… không ổn định thì làm sao người nuôi thủy sản dám mạo hiểm tái vụ trong khi nhiều rủi ro khác đang rình rập.
Cần có giải pháp bình ổn hiệu quả
Trước tình trạng nêu trên, bình ổn giá thức ăn là yêu cầu cấp thiết của người nuôi thủy sản trong giai đoạn hiện nay để họ đỡ được phần nào áp lực trong sản xuất, nhưng để làm được điều này lại không dễ. Bởi về luật, Nhà nước không can thiệp sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ khuyến cáo doanh nghiệp xem xét lại giá thức ăn cho hợp lý, hài hoà lợi ích của các bên tham gia chuỗi sản xuất. Do đó, để giải quyết vấn đề giá cả thức ăn thủy sản hiện nay vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào sự chọn lọc của người nuôi thủy sản.
Tại Hội nghị bàn về quản lý thức ăn thủy sản gần đây, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam cũng đề nghị, quyền lợi của người nuôi thủy sản cần được cơ quan chức năng quan tâm và triển khai ngay các chương trình hành động cụ thể. Bản thân người nuôi thủy sản cũng cần phải đồng lòng ủng hộ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, kiên quyết tẩy chay những doanh nghiệp làm ăn gian dối, bán sản phẩm kém chất lượng và những doanh nghiệp bán giá cao vô lý.
Tuy nhiên, trên thực tế, giải pháp tẩy chay hàng hóa của người tiêu dùng Việt Nam, nhất là người nông dân ít khi xảy ra do mỗi người nghĩ một kiểu, họ chưa tìm được tiếng nói chung, và khi các doanh nghiệp ngoại đã “bắt tay” nhau thì nông dân cũng khó có thể tẩy chay được họ. Vì thế, giải pháp bình ổn giá bằng phương pháp tẩy chay thực ra khó có thể thực hiện. Người nông dân vẫn cần giải pháp hiệu quả hơn từ phía cơ quan nhà nước để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.
Kể từ ngày 15/11/2009, Quyết định 116/2009/QĐ-TTg ngày 29/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bắt đầu có hiệu lực; trong đó có đưa thức ăn hỗn hợp dạng viên dùng để nuôi cá tra, cá ba sa (số 05) có khối lượng từ 200 g/con đến 500 g/con, và thức ăn hỗn hợp dạng viên dùng để nuôi tôm sú (số 05) có khối lượng từ 10 - 20 g/con vào danh mục hàng hóa phải bình ổn giá.
Tuy nhiên, đến nay theo thừa nhận của cơ quan chức năng là khó thực hiện và quản lý do thành phần chính của các loại thức ăn cho cá hoặc tôm có trọng lượng khác nhau.