Với bờ biển dài 192 km, vùng lãnh hải rộng hơn 52 nghìn km2, có huyện đảo Phú Quý cách đất liền 56 hải lý, Bình Thuận có ngư trường thuận lợi, giàu nguồn lợi thủy sản. Do đó, việc khai thác, đánh bắt hải sản luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của cả tỉnh.
Theo đà phát triển, khai thác hải sản xa bờ của tỉnh Bình Thuận tiếp tục được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực. Đội tàu công suất lớn (từ 90 CV trở lên) của tỉnh tiếp tục gia tăng về số lượng, công suất, trở thành đội tàu chủ lực của tỉnh trên vùng biển khơi, đóng góp quan trọng về sản lượng và giá trị sản phẩm.
Năm 2018, toàn tỉnh có hơn 6,7 ngàn tàu cá với tổng công suất hơn 1 triệu CV; trong đó, tàu cá công suất từ 90CV trở lên có hơn 3 ngàn chiếc; công suất bình quân tàu thuyền toàn tỉnh đạt trên 165 CV/chiếc. Các tàu được trang bị an toàn và ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm, góp phần gia tăng năng lực và hiệu quả khai thác xa bờ. Trong năm, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt gần 220 ngàn tấn, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 (200 ngàn tấn). Riêng 3 tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác thủy sản đạt 38,5 ngàn tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ.
Toàn tỉnh hiện có 167 tàu dịch vụ hậu cần xa bờ, được trang bị hệ thống cấp đông khá hiện đại, góp phần hỗ trợ tích cực cho ngư dân trên tuyến khơi và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến. Dịch vụ đóng sửa tàu thuyền toàn tỉnh có khoảng 24 cơ sở; trong đó, có 08 cơ sở có khả năng đóng mới, cải hoán tàu cá trên 400 CV. Các dịch vụ cung cấp nước đá, ngư lưới cụ, dầu nhớt, trang thiết bị hàng hải, sửa chữa máy hoạt động ổn định, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất thủy sản tại địa phương. Công tác quản lý trật tự bến bãi, vệ sinh môi trường tại các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền được thực hiện tốt, tạo điều kiện tập kết tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh khai thác hải sản xa bờ, Bình Thuận cũng chú trọng khai thác lợi thế vùng ven biển, mặt biển, các ao, hồ để mở rộng diện tích nuôi thủy sản.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 900 ha diện tích nuôi nước lợ, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng; năng suất tôm nuôi bình quân đạt từ 10-15 tấn/ha/vụ. Nuôi thủy sản nước ngọt chú trọng phát triển đa dạng các giống nuôi kinh tế như: Cá tầm, chình, bống tượng, thát lát với diện tích trên 1.800 ha. Nuôi trên biển tiếp tục duy trì tại huyện Phú Quý và Tuy Phong, tập trung một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như: Cá mú, cá bớp, tôm hùm…
Nghề sản xuất tôm giống phát triển theo hướng tập trung đầu tư quy mô lớn, số lượng cơ sở sản xuất nhỏ giảm nhanh. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 141 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng bình quân đạt trên 20 tỷ post/năm.
Ngoài ra, chế biến thủy sản từng bước phát triển và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực hàng năm, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.
Toàn tỉnh, hiện có 366 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản tươi, đông lạnh và 197 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm. Phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa các trang thiết bị sản xuất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như đồ hộp, shusi, shasimi, surimi-chả cá, đa dạng hóa các sản phẩm khô.
Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều được chứng nhận và áp dụng Chương trình quản lý chất lượng HACCP, tiêu chuẩn BRC, Halal,... Đến nay, sản phẩm thủy sản của tỉnh đã có mặt trên 71 quốc gia. Riêng chế biến nước mắm, có 07 doanh nghiệp chế biến nước mắm được chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, có 03 doanh nghiệp được cấp COD xuất khẩu.
Công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản được chú trọng. Năm 2018, đã thực hiện kiểm tra định kỳ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm 249 lượt cơ sở thu mua, chế biến thủy sản và tàu cá; tiến hành thanh tra an toàn thực phẩm 67 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý 15 trường hợp vi phạm.
Đồng thời, xây dựng, kết nối 05 chuỗi cung ứng thực phẩm thủy sản an toàn; cấp giấy xác nhận 15 sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm thủy sản an toàn. Hỗ trợ 09 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho doanh nghiệp sơ chế, chế biến thủy sản. Triển khai cho 193 hộ nuôi tôm ký cam kết không vi phạm tạp chất trong tôm.
Năm 2019, Bình Thuận tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản. Duy trì sản lượng khai thác toàn tỉnh ổn định khoảng 210 ngàn tấn. Sản lượng nuôi trồng thủy sản gần 13,5 ngàn tấn. Sản lượng tôm giống khoảng 24 tỷ Post. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 150 triệu USD.
Để đạt mục tiêu đề ra, Bình Thuận tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 30-CT/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của tỉnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU); ngăn chặn, đẩy lùi và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng giã cào bay hoạt động sai tuyến trên vùng biển của tỉnh. Tổ chức quản lý, phát huy các công trình cảng, bến cá đã đầu tư, thu hút tàu thuyền trong và ngoài tỉnh tập kết tiêu thụ sản phẩm.
Trong nuôi trồng thủy sản, tăng cường phát triển nuôi các loại thủy sản có lợi thế, có giá trị kinh tế cao; chú trọng ứng dụng công nghệ tiến bộ trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nuôi tôm thương phẩm ở những vùng có điều kiện.
Đẩy mạnh phát triển chế biến thủy sản đa dạng về quy mô, sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm; từng bước cơ cấu lại sản phẩm chế biến đông lạnh theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản. Mở rộng áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên tất cả các khâu từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm chế biến. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở thủy sản xây dựng và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản an toàn.
Bên cạnh đó, Bình Thuận tiếp tục huy động đa dạng các nguồn vốn và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để tăng cường nguồn lực thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng thuỷ sản; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất thủy sản. Tiếp tục triển khai công tác khuyến ngư có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên vốn, kinh phí cho các mô hình mới gia tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thị trường tiêu thụ, có khả năng nhân rộng.