Nếu quan sát từ trên không, bạn sẽ thấy vùng châu thổ sông Châu Giang ở tỉnh Quảng Đông ở phía nam Trung Quốc giống một tập hợp tế bào dưới kính hiển vi. Hàng trăm nghìn khối hình chữ nhật nhỏ xíu – tất cả đều có màu xanh lục – co cụm giữa các thành phố và dòng nước. Các trang trại gia súc nằm rải rác giữa hàng nghìn cơ sở nuôi hải sản. Đây là trung tâm của ngành nuôi trồng hải sản của Trung Quốc, với quy mô lớn nhất thế giới.
Vào một ngày oi bức tháng 6 tại trang trại lợn bên cạnh một trong những ao cá gần thành phố Triệu Khánh, những con lợn trắng ngửi và khịt mũi trên nền xi măng. Nước bẩn từ các chuồng chảy vào một ống kim loại trước khi di chuyển tới một ao, nơi hàng chục con ngỗng đang vùng vẫy. Khi dòng nước màu nâu vàng chảy ra từ ống, những con cá rô phi quẫy đuôi và lao vọt lên khỏi ao – dấu hiệu cho thấy chúng chờ đợi bữa chiều.
Nền nông nghiệp Trung Quốc đã phát triển dựa trên mô hình xử lý chất thải khép kín như thế trong hàng nghìn năm qua. Dưỡng chất làm tăng khối lượng của lợn cũng trở thành thức ăn của ngỗng và cá. Nhưng việc đưa kháng sinh vào thức ăn động vật đã biến mô hình vốn hiệu quả về sinh thái thành hiểm họa đối với sức khỏe toàn cầu.
Ở một trang trại khác tại thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, một nông dân đổ cám vào máng để đánh thức bầy lợn đang ngủ. Chuồng lợn nằm ở góc ao, nơi chủ nhà thả khoảng 20.000 con cá. Cám chứa 3 loại kháng sinh, bao gồm colistin, một loại kháng sinh mà người ta chỉ dùng cho người trong trường hợp bệnh nhân đã nhiễm khuẩn nghiêm trọng và đề kháng với những thuốc kháng sinh thông thường.
Mỹ cấm sử dụng colistin cho lợn. Nhưng trước khi chính phủ Trung Quốc trấn áp vào tháng 11, người dân cho kháng sinh vào thức ăn gia súc một cách tràn lan. Những lọ nhỏ và bình chứa 9 loại thuốc kháng sinh khác nằm lăn lóc trong các chuồng lợn. 5 thuốc kháng sinh trong số đó thuộc danh mục dược phẩm bị Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng.
Tình trạng lạm dụng kháng sinh đã biến một mối họa giả định thành một mối họa rõ ràng: Những siêu vi khuẩn có khả năng chống kháng sinh. Theo tính toán của chính phủ Anh, khoảng 700.000 người trên thế giới mất mạng vì viêm nhiễm do nhờn kháng sinh. Nếu xu hướng này tiếp tục, chính phủ Anh dự đoán số người chết có thể vượt 10 triệu trên toàn cầu vào năm 2050 – lớn hơn số người tử vong vì ung thư hiện nay.
Hồi tháng 11/2015, các nhà khoa học thông báo họ phát hiện một gene chống colistin tại Trung Quốc có thể biến hơn chục loại vi khuẩn thành siêu vi khuẩn nhờn kháng sinh. Sau đó giới khoa học phát hiện gene tương tư tại hơn 20 nước.
"Những người ăn cocktail tôm và cơm thập cẩm có thể tự đưa vào cơ thể những thứ họ không ngờ. Sự xâm nhập của thuốc kháng sinh qua chuỗi thức ăn là vấn đề lớn”, tiến sĩ Martin Blaser, giáo sư vi sinh và chuyên gia chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y khoa Langone, Đại học New York tại Mỹ, khẳng định. Ông là chủ tịch hội đồng tư vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama về chống vi khuẩn nhờn kháng sinh.
Một nghiên cứu cho thấy tới 90% kháng sinh mà con người đưa vào cơ thể lợn lọt ra ngoài qua nước tiểu và phân. Hiện tượng này gây nên tác động trực tiếp tới những loài động vật dưới nước trong các trang trại. Chẳng hạn, chất thải từ các chuồng lợn ở thành phố Giang Môn chảy vào các ao, khiến cá trong ao tiếp xúc với lượng kháng sinh tương đương những con lợn. Ngoài ra, cá còn phơi nhiễm những loại kháng sinh mà nông dân ném xuống ao để ngăn chặn và điều trị dịch bệnh ở cá.
Ao cá chảy ra sông Tây Giang qua một con mương. Sông Tây Giang chảy tới Châu Giang – dòng sông chảy qua Giang Châu, Thâm Quyến, Hong Kong và Macau. Cửa sông Châu Giang tiếp nhận khoảng 193 tấn kháng sinh mỗi năm, theo ước tính của các nhà khoa học Trung Quốc trong năm 2013.
Liên Hợp Quốc cho biết, là nước xuất khẩu hải sản và thủy sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc cung cấp khoảng 60% sản lượng thủy sản và hải sản toàn cầu. Các cơ quan quản lý thực phẩm Mỹ đã biết về vấn đề kháng sinh ở Trung Quốc từ hơn chục năm trước.
Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tăng cường hoạt động kiểm tra hải sản nhập khẩu từ các trang trại Trung Quốc từ mùa thu năm 2006. Họ phát hiện một phần tư mẫu hải sản mà họ kiểm tra chứa dư lượng kháng sinh và những phụ gia thực phẩm không an toàn.
Hồi tháng 6, chính phủ Mỹ ban hành cảnh báo đối với tôm và nhiều loại hải sản khác từ Trung Quốc. FDA có quyền giữ sản phẩm tại cảng tới khi kết quả xét nghiệm chứng minh cả lô hàng an toàn.
Song hải sản nhiễm tồn dư kháng sinh tiếp tục đổ về các cảng biển ở Mỹ, cũng như các nhà hàng và cửa hàng. Thực trạng ấy diễn ra do những mạng lưới phân phối hải sản khắp thế giới hoạt động theo cơ chế không minh bạch.
Các cơ quan liên bang Mỹ đối mặt với hàng loạt thách thức khi họ cố gắng bảo vệ sức khỏe công chúng: Những vi khuẩn nhanh chóng tiến hóa để "đánh bại” thuốc kháng sinh, trong khi các công ty hải sản ranh ma nhanh chóng tìm ra biện pháp để lách những quy định y tế đối với hải sản từ Trung Quốc. Họ phân phối hải sản khắp thế giới giống hệt cách bọn tội phạm rửa tiền.