Đây là đối tượng thủy sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Cũng giống cua biển, ghẹ cát được xem là một trong những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, với chất lượng thịt thơm ngon, càng dài, thịt nhiều và ngọt hơn cua và được nhiều người ưa thích.
Ghẹ cát (Portunus trituberculatus) sống trên nền đáy nông nhiều cát hay bùn, với độ sâu nhỏ hơn 50 mét, thức ăn chủ yếu của nó là các loại rong biển và cả các loài cá nhỏ, giun và động vật hai mảnh vỏ. Mùa vụ xuất hiện chủ yếu từ tháng 3 - 8 và tháng 11, 12.
Nhu cầu ghẹ ngày càng tăng cùng với sự suy giảm nguồn lợi tự nhiên. Do đó, nhiều mô hình ương nuôi ghẹ phát triển nhằm đáp ứng với nhu cầu thị trường cùng với giảm cường lực khai thác, bảo tồn nguồn lợi.
Trong chế biến thức ăn thủy sản, bột cá được xem là nguồn protein tốt nhất. Tuy nhiên, sản lượng bột cá ngày càng khan hiếm, giá thành ngày càng cao nên việc thay thế bột cá bằng các nguồn protein thực vật ngày càng được ưa chuộng, trong đó bột đậu nành được xem là một nguồn đạm có nhiều triển vọng nhất bởi vì nó có hàm lượng đạm cao, cân bằng các axít amin thiết yếu, nguồn cung cấp ổn định và có giá thành hợp lý (Hertrampf and Piedad-Pascual, 2000).
Nghiên cứu bổ sung đạm từ bột đậu nành vào thức ăn ghẹ
Nghiên cứu mới đây của Xuexi Wang và ctv, 2019 đã tiến hành nghiên cứu đánh giá khả năng thay thế protein bột cá bằng protein bột đậu nành trong khẩu phần thức ăn của ghẹ. Bốn nghiệm thức thức ăn được phối chế có cùng mức protein và năng lượng (450 g/kg protein và 80 g/kg lipid), với các mức thay thế protein bột cá bằng protein bột đậu nành (soy protein concentrate – protein đậu nành) lần lượt là 0%, 25%, 50% và 75% ( SPC0, SPC25, SPC50 và SPC75). Chế độ ăn kiểm soát (SPC0) có chứa bột cá, bột đậu nành và bột nhuyễn thể.
Sau 8 tuần thí nghiệm, kết quả cho thấy rằng chế độ ăn thay thế bột cá bằng bột đậu nành không ảnh hưởng đến tăng trọng (WG), tốc độ tăng trưởng (SGR), hiệu quả sử dụng thức ăn (FE) và lượng thức ăn hàng ngày (DFI).
Ghẹ được cho ăn chế độ ăn SPC50 có tỷ lệ hiệu quả sử dụng protein (PER) và tần suất lột xác (MF) cao hơn so với các nghiệm thức còn lại.
Chất lượng thịt ghẹ không bị ảnh hưởng bởi chế độ thay thế bột cá bằng SPC (P > 0,05). Hàm lượng axit amin thiết yếu (EAA), axit amin không thiết yếu (NEAA) và tổng lượng axit amin (TAA) của cơ thịt cá tăng đáng kể khi tăng hàm lượng đạm từ bột đậu nành 0 đến 75% ( P <0,05).
Cua được cho ăn chế độ ăn SPC0 có hoạt động amylase và lipase cao hơn ở gan tụy so với những con được cho ăn chế độ ăn khác. Hoạt động trypsin của gan tụy không bị ảnh hưởng đáng kể khi thay thế bột cá bằng SPC ( P > 0,05).
Kết quả phân tích trên cho thấy bột đậu nành có khả năng thay thế bột cá ở mức 51,49% thức ăn mà không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ghẹ. Bột cá chủ yếu được làm từ cá biển, có hàm lượng protein 45 - 80%. Vì vậy nếu sử dụng bột đậu nành vào thức ăn thay thế bột cá sẽ giúp chúng ta giảm được khoảng 25% giá thành sản xuất.
Báo cáo đã cung cấp cho chúng ta một nguyên liệu vốn rất phổ biến và rẻ tiền, góp phần giảm giá thành sản xuất trong quá trình ương nuôi ghẹ