Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản. Trong khoảng 236 loài cá nước ngọt được tìm thấy thì có hơn 50 loài được xem là có giá trị kinh tế cao. Trong đó có cá thát lát còm, là đối tượng có tiềm năng to lớn trong quá trình phát triển nuôi trồng thủy sản ở khu vực này.
Trong họ cá thát lát, ở Việt Nam chỉ có hai loài là cá thát lát thường (Notopterus notopterus) và thát lát còm (Chitala chitala). Cá thát lát còm có kích thước lớn, tăng trưởng nhanh, thịt ngon rất được người tiêu dùng ưa chuộng và có giá bán cao trên thị trường. Ngoài ra, chúng còn có khả năng thích ứng rộng với điều kiện môi trường thiếu oxy, nuôi mật độ cao và sử dụng được nhiều loại thức ăn. Vì vậy, cá thát lát còm đang là một trong những đối tượng nuôi phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, nuôi thương phẩm cá thát lát còm bằng thức ăn là cá tạp. Từ đó đặt ra yêu cầu nghiên cứu quy trình nuôi thương phẩm cá thát lát còm theo hướng phát triển bền vững thông qua việc nghiên cứu thay đổi thức ăn cho cá thát lát còm từ nguồn protein từ bột cá sang các nguồn protein khác là cần thiết để giảm giá thành sản xuất và đảm bảo nguồn lợi thủy sản. Trong đó, bột thịt xương là một loại protein được tận dụng từ những phụ phẩm của ngành chế biến, giết mổ có thành phần protein và acid amin tương đối cao. Khả năng thay thế bột cá bằng bột thịt xương dao động khoảng từ 10 - 45% tùy theo nguồn bột thịt xương, các thành phần nguyên liệu khác trong thức ăn, loài cá và hệ thống nuôi.
Vì vậy, nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng sử dụng bột thịt xương làm thức ăn cho cá thát lát còm nhằm đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, hạn chế sử dụng bột cá và giảm chi phí sản xuất thức ăn.
Bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm gồm 5 nghiệm thức thức ăn có cùng mức protein 42% và năng lượng 19 MJ/kg. Nghiệm thức sử dụng protein bột thịt xương thay thế protein bột cá với các mức thay thế lần lượt là 0%, 10%, 20%, 30%, 40%. Thức ăn được trộn chất đánh dấu Cr2O3 (tỉ lệ 1%) để xác định độ tiêu hóa.
Cá thát lát còm có khối lượng trung bình ban đầu là 7,83 g/con được bố trí với mật độ 50 con/bể. Thời gian thí nghiệm là 6 tuần.
Sau 6 tuần thí nghiệm thu mẫu tăng trưởng tiến hành thu phân cá để xác định độ tiêu hóa thức ăn.
Kết quả
Kết quả thí nghiệm cho thấy tỷ lệ thay thế protein bột cá bằng protein bột thịt xương có ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá thát lát còm. Tỷ lệ sống của cá thát lát còm sau thí nghiệm dao động trong khoảng 56,0 - 78,7%. Tỷ lệ sống cao nhất (78,7%) ở nghiệm thức thay thế 30% bột thịt xương, cao hơn nghiệm thức sử dụng 100% bột cá (63,3%) và thấp nhất (56%) ở nghiệm thức 40% bột thịt xương.
Khối lượng của cá sau thí nghiệm đạt từ 12,4 - 18,7 g. Khối lượng cá cao nhất đạt 18,7 g ở nghiệm thức đối chứng (0% bột thịt xương) nhưng khác biệt không có ý nghĩa so với các nghiệm thức thay thế bột thịt xương từ 10 đến 30% (p>0,05). Tuy nhiên, khi mức thay thế bột xương thịt lên 40% thì sinh trưởng của cá giảm rõ rệt.
Trong thức ăn của cá thát lát còm có thể sử dụng 20% protein bột thịt xương thay thế protein bột cá mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá. Bột thịt xương có nguồn gốc từ động vật do đó có tác dụng kích thích bắt mồi tốt, nên khi thay thế bột cá ít ảnh hưởng đến sự bắt mồi của cá trong thí nghiệm. Tuy nhiên, trong quá trình thí nghiệm mức độ bắt mồi và độ tiêu hóa của cá giảm khi thay thế 40% bột thịt xương cho bột cá.
Do đó, qua nghiên cứu cung cấp thông tin cơ sở trong việc sản xuất thức ăn, thay thế nguồn protein và liều lượng phối trộn phù hợp đảm bảo tăng trưởng, giảm hệ số FCR trong quá trình nuôi.
Theo Tạp chí khoa học đại học Cần Thơ