Đơn cử như: chợ tôm giống tại Láng Trâm, phường 1 thị xã Giá Rai, Bạc Liêu; chợ tôm giống Tắc Văn (Cà Mau); chợ tôm tại ấp 7, xã Đông Thái (Kiên Giang).
Qua kiểm tra cho thấy, hoạt động mua bán tôm giống tại đây thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý về kiểm dịch và chất lượng. Hoạt động mua bán này nếu không bị kiểm soát có thể dẫn đến phát tán tôm giống kém chất lượng, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sản xuất.
Để ngăn chặn kịp thời việc phát tán tôm giống kém chất lượng, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương có liên quan kiểm soát tốt nguồn gốc, chất lượng tôm bố mẹ sử dụng cho sinh sản; yêu cầu các cơ sở vận chuyển ấu trùng Nauplius, Postlarvae và tôm giống phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc để ngăn chặn tôm giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành dọc tuyến đường tại các khu vực có chợ tôm tự phát….
Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi mua tôm giống có hợp đồng chặt chẽ, lựa chọn những cơ sở sản xuất giống có uy tín, tôm giống được kiểm tra chất lượng và kiểm dịch theo quy định.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy: 10 tháng đầu năm, diện tích nuôi tôm nước lợ trên cả nước đạt 678.000 ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó tôm sú là 596.000 ha, tôm thẻ chân trắng 82.000 ha. Riêng các tỉnh ĐBSCL, diện tích tôm sú đạt 565.611 ha, tăng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; diện tích tôm thẻ chân trắng đạt 65.297 ha, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.