Tỉnh Ninh Thuận có bờ biển dài 105 km, là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều loài hải sản đặc thù, đây là điều kiện thuận lợi để lai tạo thành công nhiều loại giống thủy sản có chất lượng cao. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Thủy sản đã triển khai Đề án Cơ cấu lại lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững bảo vệ môi trường với mục tiêu đến năm 2020, Ninh Thuận trở thành Trung tâm Sản xuất giống thủy sản của cả nước, tạo bước đột phá, thúc đẩy lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản Ninh Thuận phát triển bền vững.
Những năm gần đây, nghề ương nuôi tôm giống của tỉnh không ngừng phát triển. Từ những trại nuôi nhỏ lẻ, quy mô sản xuất hàng năm khoảng 50 triệu con tôm giống, đến nay tỉnh đã thu hút hơn 450 đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất tôm giống với 1.200 trại sản xuất, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 24 tỷ con tôm giống có chất lượng cao, đáp ứng 40% nhu cầu tôm giống cho cả nước. Đầu năm 2018, Công ty Cổ phần Đầu tư S6 đã đưa vào sử dụng “Trại sản xuất tôm giống sạch bệnh” có diện tích sử dụng trên 9.000 m2, quy mô công suất 2,5 tỷ tôm post /năm, với tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng, mở ra hướng đi mới cho nghề ương nuôi tôm sạch tại Ninh Thuận.
Nhà làm việc Trung tâm Giống hải sản cấp I tỉnh Ninh Thuận
Hồ nuôi tôm giống của Trung tâm Giống hải sản cấp I Ninh Thuận
Đây là Trung tâm Giống hải sản cấp I tỉnh hiện đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công các loại giống hải sản như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá mú đỏ chấm đen; hàu Thái bình dương; cá bốp, cá chim vây vàng, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 40 triệu con tôm giống; 100.000 con giống cá biển và gần 1 triệu con hàu giống Thái Bình Dương, với doanh thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng. Theo quy trình sinh sản giống nhân tạo của Trung tâm Giống hải sản cấp I, từ khâu chọn con giống bố, mẹ, xử lý nguồn nước, ươm trứng, nuôi giống và xuất bán đều thực hiện theo quy trình khép kín, nghiêm ngặt. Vì thế con giống do Trung tâm sản xuất có chất lượng, không nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt ít và được người nuôi trồng chọn lựa.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống hải sản cấp I Ninh Thuận chăm sóc bể nuôi tôm giống
Cùng với hoạt động sản xuất giống thủy sản, hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh cũng phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, với tổng diện tích thả nuôi trong năm 2017 trên 1.500 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 924 ha, ốc hương 121 ha, tổng sản lượng tôm thu hoạch khoảng 7.436 tấn, sản lương ốc hương thu hoạch trên 1.500 tấn, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đối với nghề nuôi lồng bè cá bốp, tôm hùm cũng phát triển với tổng sản lượng mỗi năm trên 150 tấn. Điều đáng nói là hiện nay các hộ nuôi trồng thủy sản đã ý thức bảo vệ môi trường nên thực hiện nuôi theo quy trình khép kín và xử lý nước thải đúng quy định, áp dụng mô hình nuôi theo tổ cộng đồng để giám sát quá trình nuôi và hạn chế dịch bệnh.
Thực hiện Nghị quyết 07 về Phát triển thủy sản, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu đến năm 2020, ngành Thủy sản chiếm 38 - 40% tổng sản phẩm nội tỉnh, nâng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.400 - 2.500 ha, trong đó diện tích nuôi tôm khu vực: Đầm Nại, An Hải, Sơn Hải, Từ Thiện trên 1.000 ha; tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 18 - 20 nghìn tấn; sản lượng tôm post trên 36 tỷ con. Đây là tín hiệu vui, là động lực cho ngành Thủy sản tỉnh phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Với điều kiện tự nhiên ưu đãi, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, năm 2018 và những năm tiếp theo, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh tiếp tục có những bước chuyển động mới tích cực.