Khoảng 5h ngày 20/5, ngư dân xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn khi đang đánh bắt thủy sản ở vùng biển gần bờ thôn Hải Ninh đã phát hiện hai con cá khổng lồ, da đen bóng bơi vào sát bờ.
"Chúng tôi huy động bà con giúp cá bơi trở ra biển nhưng một con đuối sức, bị sóng đánh dạt vào bờ. Con cá này đầu và thân hình tròn, ngư dân địa phương gọi là cá "Bà Chuông" (mình, đầu tròn như quả chuông). Con cá dài gần 4 m, nặng khoảng 800 kg", ông Nguyễn Hạnh (ngụ xã Bình Thạnh) cho biết.
Ông Vũ Huy Bình, Trưởng ban trị sự lăng Ông Vạn Chài (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn), cho hay cá "Bà Chuông" quá nặng nên hàng chục ngư dân mất hơn một giờ mới có thể đưa vào lăng làm lễ an táng.
Theo ngư dân địa phương, cá "Ông Chuông" hay "Bà Chuông" dạt vào vùng biển nào thì ngư dân ở đó thờ cúng như vị thần Nam Hải, cầu cho những chuyến biển bình an, mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.
Trao đổi với Zing.vn chiều 20/5, tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết cá lớn liên tục dạt vào bờ biển Quảng Ngãi do tác động của biến đổi khí hậu, xuất hiện hiện tượng El Nino khiến nước biển ấm dần lên bất thường.
"Thông thường, những loài cá lớn sống ở vùng biển lạnh, nhiệt độ dưới 20 độ C. Trên hành trình kiếm ăn, những cá thể thủy sản bị sóng đánh dạt đến vùng biển nóng đến 28 độ C. Nhiệt độ nước biển tăng đột ngột, thức ăn ít ỏi khiến các loài cá lớn (cá Voi, cá heo, hải cẩu...) suy yếu, bị sóng đánh trôi dạt vào bờ chết ngày càng nhiều", ông An nhận định.
5 ngày trước, trong lúc bà con ngư dân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn chèo thúng ra vùng biển ven gành Yến khai thác cũng phát hiện con cá khổng lồ da đen bóng mang nhiều vết thương, bơi yếu ớt quanh vùng biển gần bờ. Dù bà con nỗ lực giúp cá ra biển nhưng do bị thương quá nặng, cá đã kiệt sức chết.
Con cá này dài khoảng 4 m, vòng bụng khoảng 2 m, nặng hơn 700 kg, phần đầu mình tròn, da đen sẫm. Trên phần đầu, thân và đuôi cá có nhiều vết thương trước khi bị sóng đánh dạt vào bờ.