Thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Hai ngày nay, người dân các xã Quảng Thọ, Quảng Thành (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bất lực nhìn những lồng cá trắm đang độ tuổi thu hoạch chết ngạt. Cá được người dân thả nuôi đã đạt trọng lượng từ 2,5-4kg, nếu không xuất hiện bão, lứa cá này sẽ mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Tại xã Quảng Thọ, cá chết tập trung tại thôn La Vân Hạ, hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Hoàng Công Mùi (thôn La Vân Hạ) cho biết, 3 lồng cá trắm của ông hiện đang vào kỳ thu hoạch, song vì thị trường đầu ra gặp khó do COVID-19 nên ông vẫn duy trì nuôi, dự kiến phục vụ thị trường cuối năm. Thông thường tiểu thương sẽ thu mua với giá 60-80 nghìn đồng/kg. Nhưng bây giờ, cá chết chỉ bán với giá 30 – 40 nghìn đồng. “Sau bão, nước chuyển màu, cá thiếu oxy dẫn đến chết ngạt. Hiện, mỗi lồng cá có trọng lượng khoảng 5-6 tạ. Cá chết coi như vụ nuôi này thất bát”, ông Mùi buồn bã.
Không chỉ La Vân Hạ, khắp 8 thôn tại xã Quảng Thọ đều có người dân nuôi cá lồng và chính quyền địa phương này cho biết, tình trạng cá chết vẫn tiếp diễn. Theo đánh giá, nguyên nhân ban đầu do thay đổi môi trường nước.
Xã Quảng Thọ hiện có hơn 800 lồng cá, không chỉ biến động nguồn nước, sự cố về điện vẫn chưa được khắc phục khiến người nuôi cá lồng rất lo lắng. Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ - Hoàng Công Phong, mặc dù ngay từ trước khi bão đổ bộ, người nuôi cá lồng đã chủ động tìm cách ứng phó, chuẩn bị máy nổ, mô tơ để tạo ô xy phòng mất điện nhưng cá nuôi vẫn bị chết.
“Thống kê ban đầu, hơn 10 lồng cá trắm của người dân ở thôn La Vân Hạ bị chết hoàn toàn (mỗi lồng 5-6 tạ cá), và hiện nay các thôn khác vẫn còn chết, thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, sự cố về điện vẫn chưa được khắc phục khiến việc cung cấp ô xy cho cá gặp trở ngại. Chúng tôi đang khuyến cáo người dân chủ động tạo ô xy cho cá để giảm thiểu thiệt hại”, ông Phong nói.
Ngoài Quảng Thọ, nhiều hộ dân nuôi cá lồng ở Quảng Điền, T.X Hương Trà cũng đối mặt với tình trạng cá chết rải rác sau bão. Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cho biết: “Đến nay, chúng tôi vẫn chưa thống kê đầy đủ số lượng cá chết tại Quảng Điền, song theo khảo sát cá chết tập trung tại Quảng Thọ và Quảng Thành. Thông số của nguồn nước cho thấy tỉ lệ ô xy rất thấp, đó là nguyên nhân khiến cá chết ngạt. Người nuôi hiện đang gặp khó khăn trong việc tạo ô xy cho cá bởi mất điện và họ đang đổ xô mua máy phát điện, máy hỗ trợ tạo ô xy cho lồng nuôi, bởi đó là biện pháp duy nhất để cứu cá lúc này”.
Người dân kiểm tra lồng nuôi, sục khí tạo ô xy cho cá.
Tôm thẻ chân trắng “nổi đầu”
Mất điện 2 ngày qua cũng khiến hàng trăm hộ nuôi tôm thẻ chân trắng các xã vùng ven biển khốn đốn. Đây là thời điểm tôm đã xuống giống khoảng 1 tháng, đang trong thời kỳ bước đầu ổn định để sinh trưởng, song bão ập đến, mất điện khiến lượng ô xy cung cấp cho tôm không đủ. Mặc dù một số hộ nuôi sử dụng máy phát điện tạo oxy nhưng nguồn nước bị thay đổi độ pH, mặn hóa khiến tôm nổi đầu, dẫn đến chết.
Anh Hồ Văn Lưỡng (một hộ nuôi tôm ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nói: “Từ ngày bão đổ bộ vào đất liền, người nuôi tôm ngoài phòng chống bão còn lo lắng cho con tôm lờ đờ dưới hồ. Để nuôi tôm chân trắng cần phải có đủ nguồn điện để tạo ô xy cho tôm. Không có điện và nước mặn xâm nhập, tôm trong hồ nuôi của tôi bơi trên mặt nước. Tôm vừa mới xuống giống nhưng hao hụt rất đáng kể”.
Khoảng 500 ha tôm thẻ chân trắng trên cát toàn tỉnh được nuôi sát nách biển. Bão số 5 tiến vào vào vùng biển trên địa bàn tỉnh khiến những hồ tôm hứng trọn “cuồng phong”. Hiện, một số nơi điện đã được khắc phục nhưng để ổn định quá trình sinh trưởng của tôm như ban đầu không phải chuyện dễ.
“Sau bão, đa số các hồ nuôi đều có tôm chết, ít thì khoảng 2-3kg, nhiều đến hơn chục kg. Nhiều hồ tôm đạt kích cỡ 230con/kg vẫn bị nổi đầu. Bây giờ bên cạnh khắc phục, sửa chữa lại dàn quạt tạo ô xy, chúng tôi phải bổ sung các loại men vi sinh kích thích sự sinh trưởng của tôm, ổn định sức đề kháng sau khoảng thời gian biến đổi về nguồn nước”, anh Lê Văn Hòa, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền chia sẻ.
Theo bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão sẽ gặp khá nhiều sự cố, do vậy người nuôi cần trang bị máy phát điện dự phòng để hỗ trợ quá trình nuôi. “Tôm nổi đầu hay cá chết là do thiếu ô xy, do vậy trang bị máy phát điện là rất quan trọng. Thời điểm này, riêng tôm chân trắng, người dân có thể hạn chế cho ăn và sử dụng chế phẩm sinh học cải tạo môi trường nuôi, đặc biệt cần trang bị máy phát điện đủ công suất để tôm không bị nổi đầu”, bà Hồng khuyến cáo”.