Năm 2018, thời tiết khá thuận cho các hộ nuôi cá trên các con sông, đầm phá. Đa số các hộ nuôi đều thu được lãi. Thời điểm cuối năm và dịp tết, bên cạnh nhu cầu về nông sản, các loại thủy sản nước ngọt, nước lợ là sự lựa chọn của nhiều gia đình.
Huyện Phú Lộc là một trong những địa phương có diện tích nuôi cá lồng trên đầm phá lớn nhất tỉnh. Đây còn là “thủ phủ” của các loại cá đặc sản như cá mú, nâu, hồng, chim…
Chăm sóc lồng cá
Đến Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) những ngày cuối năm Mậu Tuất, chứng kiến không khí nuôi trồng, thu hoạch các loại cá đặc sản khá nhộn nhịp. Hai địa phương nay là nơi sản xuất các loại cá đặc sản truyền thống.
Ông Trần Bé (xã Vinh Hiền) là người có kinh nghiệm nuôi cá đặc sản hơn 20 năm. Vụ tết này, gia đình ông thả nuôi 12 lồng cá có giá trị cao như, hồng, chẻm, vẩu… Theo ông Bé, vùng cửa biển Vinh Hiền có nhiều lợi thế để nuôi các loại thủy sản đặc sản nước ngọt, lợ. Đặc biệt, có nguồn giống tự nhiên chất lượng. “Tui không nhập nguồn giống để nuôi mà vào mùa thường đi đánh bắt nguồn cá giống tự nhiên trên đầm phá, sau đó mang về ươm trước khi thả nuôi. Nguồn cá giống tự nhiên giúp chất lượng cá sau khi thu hoạch cao hơn”, ông Bé nói.
Cách nuôi cá của ông Bé theo kiểu gối đầu, 12 lồng thời điểm nào cũng có cá để xuất bán. Để nâng cao thu nhập, gia đình ông thường canh thời điểm thả nuôi sao cho lúc thu hoạch đúng ngay dịp tết. “Nuôi cá đặc sản ngoài những kỹ thuật cơ bản cần phải nắm bắt được nhu cầu thị trường, liên kết với lái buôn hay những đơn vị thu mua để bao tiêu sản phẩm. Thời điểm tết cần mở rộng quy mô và dày công chăm sóc để có thu nhập cao hơn thông thường. Như mọi năm, tết năm nay, giá của các loại cá được nâng lên từ 2-3 giá. Với các loại cá “đặc sản” giá giao động từ 250-350 nghìn đồng/kg”, ông Bé chia sẻ.
Thu hoạch cá "đặc sản"
Ngoài Vinh Hiền, xã Lộc Bình cũng là địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng. Khi mới triển khai mô hình nuôi cá đặc sản, nhiều người dân lo ngại. Tuy nhiên, đến nay, mô hình này mang lại hiệu quả với hàng trăm lồng cá… Vụ cá tết thường tiêu thụ mạnh, lại bán được giá nên nhiều hộ ở Lộc Bình đang nuôi từ 2-3 lồng. Tại địa phương này, bên cạnh mô hình nuôi cá vẩu phát triển từ lâu, các loại cá “đặc sản” khác như, cá dìa, hồng mỹ, đối mục, cá mú đang người dân chú trọng. Nắm bắt nhu cầu, họ thường xuất bán đúng thời điểm, thích ứng với xu thế và thị trường. Điều đó đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân mỗi dịp tết đến xuân về.
Ông Phan Bá Chiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết: “So với các loại cá thông thường, việc nuôi cá “đặc sản” không khó. Nhờ chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng, các loại cá này được thị trường tiêu thụ khá mạnh. Những ngày bình thường giá cá từ 150-200 nghìn đồng/kg. Dịp tết này, giá được nâng cao hơn như cá mú mỗi 350 nghìn đồng/kg, cá vẩu khoảng 300 nghìn/kg. Điều này giúp người nuôi thu lãi cao”.
Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho rằng, so với mọi năm, vụ cá giáp tết cuối năm 2018 thuận lợi hơn bởi lũ ít xuất hiện, nguồn nước thả nuôi các loại cá đặc sản được ổn định hơn. Do đó, sản lượng tăng cao. Dịp tết thường cầu nhiều hơn cung nên người nuôi được hưởng lợi. Với mục tiêu cung cấp các loại đặc sản cho thị trường trong và ngoài tỉnh, các hộ nuôi cũng chú trọng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật vào quy trình nuôi.
Bên cạnh vùng đầm phá, cửa biển, hiện nuôi cá lồng trên các con sông ở các địa phương huyện Quảng Điền, Hương Trà cũng đang phát triển mạnh. Nếu như vào mùa lũ năm 2017, nhiều hộ dân bị thiệt hại lớn do thiên tai, ảnh hưởng đến cá vụ tết thì năm 2018 lại hoàn toàn trái ngược, lũ ít xuất hiện, môi trường nước ổn định khiến việc nuôi cá lồng ven sông khá thuận lợi. Tết này, những hộ nuôi ở các xã Quảng Phú, Quảng Lợi, Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) với các loại cá như trắm cỏ, diêu hồng có thu nhập khá, mỗi ô cá cho thu nhập gần trăm triệu đồng, đặc biệt là giá cá diêu hồng tăng khá cao.
Ông Trần Kìm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho rằng, không chỉ những ngày giáp tết này, sau tết những hộ nuôi cá cũng có cá để bán. Thông thường các loại cá ở địa phường thường nuôi khoảng 1,5 năm mới xuất bán. “Mỗi hộ nuôi từ 2-3 lồng cá, nếu lồng này xuất bán thì có lồng khác gối đầu. Do vậy, người dân có thu nhập quanh năm. Mặc dù thời tiết thuận lợi, người nuôi cũng hưởng lợi từ vụ cá giáp tết nhưng theo tôi, người nuôi không được lơ là trong khâu chăm sóc trong những ngày tết bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến vụ cá xuất bán sau tết”, ông Kìm nói.