Sáng 11-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã có mặt tại làng bè nuôi cá dưới chân cầu Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu - nơi người dân đang điêu đứng vì cá nuôi chết hàng loạt.
Trong những ngày qua, 25.000 cá chim giống, hơn 2.000 cá bớp từ 2-4 tháng của hộ anh Phan Hoàng Sơn (khu 4) đã chết sạch. Anh Sơn cho biết cá chuyển sang màu đen, miệng ngáp liên tục là không thể cứu vãn được nữa, nguyên cả khu đều xảy ra tình trạng trên.
Bè chị Phạm Thị Hồng Cẩm cũng tương tự, chị Cẩm vay vốn ngân hàng hơn 200 triệu đồng, gia đình cho mượn thêm 100 triệu để đầu tư hết vào bè cá nhưng chỉ trong ít ngày toàn bộ 14.000 cá chim đã 3 tháng đều ra đi không còn con nào. Sáng nay, chị Cẩm vẫn đang tiếp tục vớt thêm 2 bao cá mang đi vứt.
Người dân vớt cá chết đi đổ
Khác với nhiều hộ, sau khi cá chết ông Nguyễn Công Biên (khu 3) đã cho người sục rửa hết các lồng nuôi, những con còn sống, ông dùng phương pháp tắm nước ngọt, sục ô xi để mong vớt vát nhưng ông Biên vẫn thiệt hại 50.000 cá chim và 7.000 cá bớp. "Tôi khẳng định bè tôi hoàn toàn đảm bảo kỹ thuật bởi trước khi thả giống, tôi đã gọi cho Chi cục thủy sản tới để hỏi về khoảng cách lồng, kĩ thuật đã đảm bảo chưa. Mọi thứ đều rất tốt", ông Biên nhấn mạnh.
Cá chim, cá bớp thi nhau chết hàng loạt khiến người dân điêu đứng
Khi phóng viên hỏi về việc cá còn tiếp tục chết không, 1 người dân nuôi cá nói "cá hết chết rồi bởi vì chẳng còn cá để mà chết nữa". Do cá chết sạch, nhiều hộ đã để lại lồng bè không cần trông giữ. Cũng theo người dân thì cá chết không phải do bệnh, bởi cá chết xảy ra ở khắp các hộ nuôi và chết rất nhanh.
Tìm mọi cách để cứu số cá còn lại
Các hộ nuôi cá nghi ngờ một số cửa hàng kinh doanh thùng phuy để làm bè nổi đã xúc rửa hóa chất và xả ra gần khu vực nuôi cá là nguyên nhân dẫn đến cá chết.
Trước nghi ngờ này, sáng 11-8, Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm môi trường Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã niêm phong những can đựng hóa chất của cửa hàng Ngọc Việt (cửa hàng kinh doanh thùng phuy để làm bè nổi) ngay dưới chân cầu Chà Và để mang tới khu vực an toàn.
Cơ quan điều tra niêm phong số hóa chất tại cửa hàng Ngọc Việt
Như đã thông tin, theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tính đến hết ngày 9-8, đã có khoảng 241.000 con cá chết, với tổng trọng lượng gần 90 tấn. Có 23 hộ dân xảy ra tình trạng cá chết, trong đó 11 hộ mới thả cá giống được vài ngày, còn lại cá đã trưởng thành từ 3-4 tháng.
Sau mỗi lần cá chết, số nợ của người dân lại tăng lên
Sở NN-PTNT đã lấy mẫu cá, mẫu nước để xét nghiệm. Kết quả cho thấy không có mẫu nào nhiễm virus gây bệnh hoại tử thần kinh trên cá nước mặn, lợ. Các mẫu cá đều có sự xuất hiện của vi khuẩn Vibrio spp (vi khuẩn gây lở loét, xuất huyết trên cá). Các mẫu nước đều có chỉ tiêu COD và NH3 vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.
Qua phân tích mẫu nước, cho thấy có sự ô nhiễm cục bộ tại vùng nuôi, có một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên như nước thải sinh hoạt của các hộ dân tại khu vực trên, lượng thức ăn dư thừa nhiều... Sau khi xảy ra cá chết, người dân không xử lý đúng quy trình mà có hiện tượng vứt xác cá trên sông khiến môi trường nước càng ô nhiễm, cá chết nhiều hơn.