Theo đó, cả nước từ Bắc vào Nam có 5 nhóm với 36 cảng biển và để đáp ứng yêu cầu phát triển, đến năm 2030 cần khoảng 351.500 tỷ đồng đầu tư.
Cảng biển có 5 nhóm với các mục tiêu
Quy hoạch 5 nhóm cảng biển với kết cấu hạ tầng, mục tiêu sản lượng hàng hóa và hành khách thông qua, cùng nhu cầu đầu tư cụ thể,
Nhóm số 1 gồm 5 cảng biển là Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Mục tiêu đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 322 - 384 triệu tấn (hàng container từ 13 - 16 triệu TEU, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế); hành khách từ 281 - 302 nghìn lượt. Kết cấu hạ tầng có tổng số từ 111 - 120 bến cảng với từ 174 - 191 cầu cảng.
Nhóm số 2 gồm 6 cảng biển là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Mục tiêu đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 182 - 251 triệu tấn (hàng container từ 0,4 - 0,6 triệu TEU); hành khách từ 374 - 401 nghìn lượt. Kết cấu hạ tầng có tổng số từ 69 - 82 bến cảng với từ 173 - 207 cầu cảng.
Nhóm số 3 gồm 8 cảng biển là Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Trường Sa), Ninh Thuận và Bình Thuận. Mục tiêu đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 160 – 187 triệu tấn (hàng container từ 2,5 - 3,1 triệu TEU, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế); hành khách từ 3,4 - 3,9 triệu lượt. Kết cấu hạ tầng có tổng số từ 80 - 83 bến cảng với từ 176 - 183 cầu cảng.
Nhóm số 4 gồm 5 cảng biển là TPHCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Mục tiêu đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 500 - 564 triệu tấn (hàng container từ 29 - 33 triệu TEU, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế); hành khách từ 2,8 - 3,1 triệu lượt. Kết cấu hạ tầng có tổng số từ 146 - 152 bến cảng với từ 292 - 306 cầu cảng.
Nhóm số 5 gồm 12 cảng biển là Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Mục tiêu đến 2030, hàng hóa thông qua từ 86 - 108 triệu tấn (hàng container từ 1,3 - 1,8 triệu TEU); hành khách từ 10,5 - 11,2 triệu lượt. Kết cấu hạ tầng có tổng số 85 bến cảng với từ 160 cầu - 167 cầu cảng.
Quy hoạch chấp thuận chủ trương đầu tư cảng biển Cần Giờ (TPHCM) và dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được ưu tiên kêu gọi đầu tư
Nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030
Đến năm 2030 cần khoảng 351.500 tỷ đồng đầu tư. Gồm đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 72.800 tỷ đồng, đầu tư cho bến cảng khoảng 278.700 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 33.800 ha (gồm các khu vực phát triển cảng biển, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các khu công nghiệp, logistics… gắn liền với cảng), trong đó cảng biển là 17.300 ha.
Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 606.000 ha (chưa bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải là 900.000 ha).
Các dự án ưu tiên đầu tư
Về kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, đầu tư xây dựng luồng sông Văn Úc – Nam Đồ Sơn và hệ thống đê chỉnh trị. Nâng cấp, mở rộng luồng hàng hải Hải Phòng (mở rộng kênh Hà Nam, đoạn luồng Lạch Huyện bao gồm vũng quay tàu). Thiết lập, nạo vét luồng vào các cảng khu vực Cẩm Phả và khu neo chuyển tải Hòn Nét cho tàu 200.000 DWT. Nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa. Cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Vũng Áng cho tàu đến 50.000 DWT và hệ thống đê chắn sóng (giai đoạn 2). Cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Cửa Việt cho tàu đến 5.000 DWT và hệ thống đê chắn cát. Cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Chân Mây cho tàu đến 70.000 DWT. Đầu tư mở rộng đoạn cong chữ “S” luồng Cái Mép – Thị Vải.
Bên cạnh, đầu tư xây dựng hệ thống đê chắn cát luồng Diêm Điền, Cửa Gianh. Đầu tư hoàn thiện kè bảo vệ bờ kênh Quan Chánh Bố bao gồm kè chỉnh trị. Đầu tư xây dựng hạ tầng công cộng bến cảng ngoài khơi Trần Đề (luồng tàu, đê chắn sóng, cầu vượt biển). Đầu tư đèn biển tại các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải như: khu neo đậu tránh, trú bão, đài thông tin duyên hải, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS), tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ.
Cả nước từ Bắc vào Nam có 5 nhóm với 36 cảng biển và để đáp ứng yêu cầu phát triển, đến năm 2030 cần khoảng 351.500 tỷ đồng đầu tư
Về bến cảng, đưa vào khai thác từ bến cảng số 3 - 8 tại khu bến Lạch Huyện; các bến tại khu bến Liên Chiểu, các bến cảng chính thuộc cảng biển loại I. Các bến cảng khách du lịch, bến khách quốc tế và các bến du thuyền gắn với các vùng động lực phát triển du lịch. Các bến cảng quy mô lớn gắn trung tâm điện lực than, khí, xăng dầu, luyện kim; các bến phục vụ khu kinh tế ven biển.
Kêu gọi đầu tư các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề. Đầu tư bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), các bến cảng tại khu vực Cái Mép hạ; bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TPHCM) và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng).
Giải pháp thực hiện quy hoạch
Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, chuyên dùng từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, khai thác có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của các cảng biển.
Sử dụng nguồn thu từ việc cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng biển được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng.
Thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển theo hướng không thu phí hạ tầng đối với việc gom, rút hàng bằng đường thủy nội địa nhằm đẩy mạnh năng lực vận tải thủy nội địa, giảm áp lực cho vận tải bằng đường bộ.
Giám sát thực hiện quy hoạch theo hướng tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong hoạt động đầu tư cảng biển nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch.
Hình thành trung tâm dữ liệu chuyên ngành hàng hải, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thống kê.
Tận dụng tối đa việc sử dụng bãi sông phù hợp với những thay đổi về điều kiện tự nhiên, thủy hải văn, mực nước, lưu lượng lũ, khả năng thoát lũ hiện nay để mở rộng, gia tăng quỹ đất đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông có mục đích công cộng.
Nghiên cứu cơ chế quản lý đầu tư, khai thác các khu vực chứa chất nạo vét tại các cảng biển. Ưu tiên các khu vực định hướng quy hoạch cảng biển để chứa chất nạo vét, tạo mặt bằng cảng biển nhằm tận dụng tối đa tài nguyên.
Khuyến khích đầu tư cảng biển có mô hình cảng xanh, thông minh, sử dụng công nghệ và nhiên liệu sạch, các bến cảng, bến cảng du lịch (bến khách, bến du thuyền) gắn kết chặt chẽ với vùng động lực về du lịch và hệ thống khu du lịch. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, giảm phát thải theo quy định.