Hồi đó, khi nước dưới sông chuyển màu đỏ quạch phù sa châu thổ, cũng là lúc cá linh từ thượng nguồn đổ về. Quê tôi gọi cá linh đầu mùa là cá linh non để phân biệt với cá linh già vào mùa lũ rút. Những nhà cặp mé kinh thì không cần đi xuồng, làm cái vó càng, ngày cất vài bận là dư ăn...
Có nhiều cách giải thích về tên gọi của loài cá hình dáng bé nhỏ nhưng có vị trí đặc biệt này. Có người cho rằng do xuất phát từ tính linh thiêng của chúng: khi lũ đầu mùa, cá từ Biển Hồ trôi về hạ lưu, rồi đến khi lũ rút, cá lại quay ngược về đất Chùa Tháp. Cũng có câu chuyện kể khác: cứ đến đúng ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch hàng năm là cá kéo nhau nổi lên mặt nước. Còn với người dân quê tôi, con cá “linh thiêng” vì xuất hiện đúng vào thời điểm phần lớn người dân chân đất nơi đầu nguồn không còn đường kiếm sống. Trong ký ức chưa xa của tôi, cá linh gần gũi lắm. Cứ trước mỗi bữa cơm, ba tôi ra cái vó dưới bến sông trước nhà cất vài mẻ là đủ cho mẹ tôi chế biến vài món, từ cá linh kho lạt giằm trái bứa chấm với bông súng, điên điển, đến cá linh chiên bột chấm nước mắm me non giã nhuyễn… Không hiểu sao, hễ vào mùa cá linh là xứ đầu nguồn quê tôi cũng vào mùa cây me đơm trái, cây bứa lặc lè ra quả để những bà nội trợ đưa vị chua thanh của cây trái quê nhà làm thăng hoa hương vị con cá... Những hôm trúng luồng cá đi, cá linh đầy nhà, ăn không hết mẹ tôi đổ vào khạp ủ để làm mắm và nấu nước mắm ăn quanh năm. Mắm cá linh kho ăn với rau đồng, quả là đệ nhất ẩm thực miệt đồng, nhưng với những đứa trẻ nghèo quê tôi, nước mắm cá linh với mùi thơm đặc trưng là món ăn ngon trong những tháng hè.
Chẳng ai nuôi nấng, chăm sóc gì, nhưng cá linh lại lớn nhanh như thổi. Chỉ sau ba tháng xuất hiện, những con cá nhỏ li ti đã lớn bằng hai-ba ngón tay, khoác lên mình chiếc áo bạc óng ánh. Có ba loại cá linh: cá linh rìa, cá linh ống và cá linh bản, nhưng đó chỉ là cách phân biệt về hình dáng bên ngoài, bởi thực chất, cả ba loại đều thơm, ngon và mỗi loại đều có vị riêng. Nước lũ rút, cá linh từ đồng đổ ra sông… con nào con nấy mập trắng, béo ngậy. Lúc này món ngon từ cá linh trở nên phong phú hơn, ngoài kho rim với mía cho thịt bùi bùi, cá linh còn được cặp gắp giữa hai thanh tre tươi nướng trên ngọn than hồng chấm với nước mắm me non. Còn món cá linh nấu canh chua bằng trái bứa với bông súng, điên điển… thơm lừng cùng chén nước mắm đồng giằm ớt cay xè giữa mùa gió bấc... mãi là ký ức đẹp của người dân nghèo vùng lũ.
Những năm gần đây, lũ thượng nguồn đổ về ít dần, khiến cá linh ngày càng thưa thớt. Các nhà khoa học, người thì cho là do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, người lại bảo do việc đắp đập thủy điện... còn người làm công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản lại cho rằng đó là do việc đánh bắt cá tràn lan, dùng xung điện, cào điện... làm triệt tiêu nguồn lợi thủy sản.
Vùng đầu nguồn quê tôi ngày một thưa vắng cá linh, và theo dự báo cá linh sẽ trở thành ký ức xa xôi. Mai này, những đứa con nơi phố thị của tôi có còn cơ hội để nhấm nháp cá linh mùa lũ, để chất vào lòng niềm cảm nhớ về hương vị quê cha?