Gần đây, cá đang nuôi trong lồng bè bỗng dưng nổ mắt, phơi bụng chết trắng hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người dân xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Người dân cho rằng, nguyên nhân do Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả thải ra biển gây ô nhiễm nguồn nước làm cá chết bất thường. Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định cá chết không phải do mắc bệnh.
Lồng bè nuôi cá của ông Nguyễn Ngọc Lộc cách Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 khoảng 1.000 mét. Hơn 10 năm làm nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở đây, chưa bao giờ gia đình ông Lộc lại điêu đứng như lúc này. Hơn 2.000 con cá bóp, cá mú đang nuôi trong lồng bè bỗng dưng nổ mắt, phơi bụng bị chết bất thường. Với số cá này, chỉ trong 2 ngày 12/9 và 11/10, gia đình ông mất trắng 350 triệu đồng. Ông Lộc nói: “Nguồn nước xả xuống mình không biết. Cá trong lồng nhiễm độc nó mới tung lưới. Mình phát hiện nhảy xuống thì cá nằm chết trắng luôn, trở tay không kịp”.
Cá bớp chết phơi bụng trong 1 lồng bè của gia đình ông Trần Tý ở xã Vĩnh Tân.
Không những lồng bè của nhà ông Lộc, mà nhiều khu lồng bè khác quanh đó cũng bị ảnh hưởng. Khu lồng bè nuôi cá bóp, cá mú và tôm hùm của gia đình ông Trần Tý gần như mất trắng, thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Ông Tý bức xúc: “Trong vòng 1 tiếng đồng hồ tự nhiên cá chết trắng lồng hết. Không biết vì lý do gì mà nước trong đó ra nó ngứa, nó đục, nên con cá chịu không nổi, nó chết ngợp. Tôi nuôi cá lồng bè trên biển đến nay là 15 năm rồi. Chỉ có nước nhà máy nhiệt điện xả ra năm nay mới bị thôi. Chứ mấy năm trước, năm nào cũng có lời. Năm nay coi như tôi trắng tay không còn một đồng nào".
Theo thống kê UBND xã Vĩnh Tân, trong 2 đợt xảy ra vào các ngày 12/9 và 11/10 có tất cả 87 bồng bè của 10 hộ bị thiệt hại nặng. Tổng số cá chết lên đến hơn 16.500 con, chủ yếu là cá bóp. Trong đó có trên 4.100 con kích cỡ từ 1kg đến 4,5kg và 12.400 con cá giống thả được 15 ngày tuổi. Ước thiệt hại trên 2 tỷ 500 triệu đồng. Đó là số tiền khá lớn đối với người dân ở vùng quê nghèo Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết: “Chính quyền xã ban đầu đã xuống nắm bắt thông tin và khảo sát thực tế thiệt hại của bà con trên lồng nuôi. Đồng thời có báo cáo với huyện, với các ban ngành chuyên môn của tỉnh”.
Cá mú giống của gia đình ông Trần Tý bị chết.
Sau khi sự việc xảy ra, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận đã lấy mẫu cá chết gửi đến Cơ quan Thú y vùng 6 tại Thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm. Kết quả: không phát hiện virút gây bệnh trên cá. Nguyên nhân cá chết hàng loạt tại Vĩnh Tân chỉ có thể là do ô nhiễm môi trường nguồn nước bởi các tác động từ bên ngoài.
Khu vực lồng bè nuôi cá bóp, cá mú và tôm hùm của xã Vĩnh Tân bị thiệt hại nặng nề.
Vào sáng 12/11, tại Sở NN-PTNT Bình Thuận đã diễn ra cuộc họp nghe thông báo kết quả phân tích môi trường nguồn nước. Cuối buổi họp, ông Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết: mẫu nước phân tích do Sở Tài nguyên và Môi trường lấy về sau thời điểm cá chết hàng loạt vài ngày, vì vậy không đủ cơ sở để khẳng định nguyên nhân. Câu hỏi vì sao cá lồng bè chết hàng loạt tại xã Vĩnh Tân vẫn đang còn bỏ ngỏ./.