Hy vọng thoát nghèo
Ngược thời gian 2 năm về trước, với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi của xã Duy Ninh, Đảng ủy, UBND xã quyết định vận động nhân dân sinh sống dọc sông Kiến Giang thuộc hai thôn Phú Ninh, Phú Vinh thí điểm mô hình nuôi cá lồng nhằm phá thế độc canh cây lúa, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Giống cá xác định đưa vào nuôi là cá chẽm, một loại cá có giá trị kinh tế cao, thị trường dễ chấp nhận.
Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Ngọc Sơn cho biết: “Thực hiện chủ trương này, xã trích kinh phí hỗ trợ cho nông dân đi tham quan các mô hình nuôi cá lồng tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Điều kiện tự nhiên của họ kém mình nhưng người dân nơi đây tập trung đầu tư nguồn lực để nuôi, mặt nước sông Nghèn được tận dụng triệt để. Mỗi vụ nuôi cá khoảng 6 tháng thì cho thu hoạch, trừ chi phí lãi ròng khoảng 80 đến 100 triệu đồng/hộ. Từ thực tế đó, Duy Ninh quyết tâm thực hiện thí điểm, ban đầu có 4 hộ dân tham gia.
"Thông qua Hội Nông dân xã, 4 hộ dân, mỗi hộ bỏ vốn khoảng 80 triệu đồng đóng lồng, mua cá giống nuôi thí điểm. Vụ nuôi cá chẽm đầu tiên, tuy không “thắng đậm”, nhưng các gia đình tham gia nuôi đều có lãi. Giá cá chẽm bán ra thị trường, bình quân 110 đến 120 nghìn đồng/kg. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, người nuôi cá thời gian nhàn rỗi hơn, cùng lúc có thể làm thêm các công việc khác nên sau khi sơ kết mô hình, Hội Nông dân khuyến khích thêm 20 hộ dân tham gia ở vụ nuôi thứ hai”- ông Nguyễn Mậu Tiễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã trao đổi.
“Vì sao đang trên đà thắng lợi thế, mà bây giờ người nuôi cá chẽm ở Duy Ninh lao đao, nguy cơ mất cả chì lẫn chài?”- Chúng tôi thắc mắc. Ông Tiễn chia sẻ: “Đúng là người nuôi cá chẽm có nguy cơ trắng tay nếu không tìm được thị trường tiêu thụ khi thời gian thu hoạch đã chín. Nếu kéo dài, mùa mưa lũ sắp đến thì tài sản trôi ra sông, ra biển hết.
Thức ăn của cá chẽm chủ yếu là các loại cá nhỏ, trước đây người nuôi tận dụng nguồn thức ăn từ cá biển. Sự cố ô nhiễm môi trường biển, thủy hải sản chết hàng loạt đã gây tâm lý hoang mang, người dân không mặn mà với thủy, hải sản từ biển.
Và mặc dù, người nuôi cá chẽm ở Duy Ninh đã không dùng cá biển, hoặc nếu dùng cũng rất hạn chế làm thức ăn cho cá chẽm, nhưng mang đi bán ở đâu cũng chẳng ai mua, họ bảo rằng cá chẽm ăn cá biển, cá biển nhiễm độc thì cá chẽm cũng bị nhiễm độc, gây tổn hại cho sức khỏe con người”.
“Bơi” trong bế tắc
Chúng tôi về các thôn Phú Ninh, Phú Vinh, trực tiếp gặp những người nuôi cá chẽm trên sông Kiến Giang. Anh Nguyễn Văn Vỹ kể, vừa “chạy chợ” về, nhưng hơn năm chục con cá chẽm đưa đi chỉ bán được một vài con, còn mang thả lại vào lồng. "Tôi chạy hết các chợ trong vùng từ chợ Tréo, Mỹ Đức (Lệ Thủy), chợ Võ Ninh, Quán Hàu (Quảng Ninh) đến chợ Cộn, Ga, Công Đoàn (TP. Đồng Hới). Người dân mình “chê ỏng chê eo”, bảo loại cá chẽm này ăn cá biển nhiễm độc tố... chê rồi bỏ đi”.
Các hộ nuôi cá chẽm với nỗi lo thu hoạch không tiêu thụ được.
Gia đình Nguyễn Văn Vỹ nuôi 4 lồng với khoảng 2.000 con cá chẽm, 1.000 cá hồng, 5 tạ rô phi đến thời kỳ xuất bán. Theo giá thị trường trước đây, bình quân 110 nghìn đến 120 nghìn đồng/kg, “xuôi buồm, mát mái" anh sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng trong vụ này. Nhưng bây giờ thì sắp “xôi hỏng bỏng không”, Nguyễn Văn Vỹ như ngồi trên đống lửa và chưa biết phải xoay xở ra sao bởi tiền vốn bỏ ra khá nhiều, tiền vay ngân hàng ban đầu cũng chưa trả được đồng nào... “Nếu lụt về... gia đình em trắng tay!”- Vỹ thở dài.
Giống như Nguyễn Văn Vỹ, gia đình anh Phạm Thanh Nghị và chị Nguyễn Thị Ước cũng đầu tư 4 lồng cá chẽm với rất nhiều chi phí đã bỏ ra. Vào khoảng thời gian này năm ngoái, anh Nghị đã yên tâm cầm trên tay lãi ròng tầm 40 đến 50 triệu đồng.
Tương tự như vậy, 20 hộ dân ở thôn Phú Vinh và Phú Ninh đứng ngồi không yên, phấp phỏng lo âu trước nguy cơ mất trắng bởi cá thì bán không được mà chi phí nuôi kéo dài rất tốn kém. "Thức ăn mỗi ngày cho 2.000 cá chẽm mất khoảng 400.000 đến 500.000đ. Nếu như trước đây có nguồn cá biển dồi dào, giá loại cá làm thức ăn thấp, trung bình mỗi ngày chỉ bỏ ra khoảng trên dưới 300.000đ. Từ khi nước biển ô nhiễm, cá biển đánh ngoài khơi nên đội giá lên cao, chúng tôi phải nấu cơm, xay các loại rau trộn thả cho cá ăn. Chừ không biết có thu được vốn hay rồi mất cả chì lẫn chài..." - Chị Ước đau đáu với nỗi lo.
"Trước tình trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã Duy Ninh đã vận động người nuôi yên tâm tiếp tục chăm sóc cá bằng các nguồn thức ăn bảo đảm như cơm, rau, rong... đồng thời, tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn về chất lượng cá chẽm nuôi lồng bảo đảm an toàn, để bà con có thể mua tiêu dùng. Bên cạnh đó, xã Duy Ninh mong muốn tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ một phần khó khăn trước mắt cho các hộ gia đình đang có lồng nuôi cá chẽm trên địa bàn xã.
Điều quan trọng nhất lúc này nữa là các ngành chức năng sớm phối hợp, có biện pháp kiểm tra, kiểm định chất lượng cá chẽm nuôi và môi trường nuôi, nhằm xác định chất lượng cá an toàn hay không, sau đó thông báo rộng rãi để người dân có thể yên tâm sử dụng "- Bí thư Đảng ủy xã Duy Ninh, Đỗ Ngọc Sơn nói.