Anh Hà Sơn Thảo, ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn vèo cua con chuẩn bị bán.
Hiện tại, tổng diện tích nuôi thủy sản của huyện gần 26.000 ha, trong đó, con tôm là chủ lực. Thế nhưng, những năm qua, thu nhập từ con cua đóng một vai trò không nhỏ vào thu nhập của người dân. Hiện con cua không còn là vật nuôi phụ nữa, nhưng nhìn toàn cảnh, nghề nuôi cua chưa ổn định.
Phần lớn người dân đều nuôi cua theo kinh nghiệm chứ chưa có một quy trình kỹ thuật. Ông Đoàn Văn Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, bộc bạch: "Xã Hàm Rồng là xã phát triển nghề nuôi cua mạnh nhất trong huyện, đặc biệt là vấn đề ươm cua giống. Đa số người dân đều sản xuất theo kiểu tự ươm, tự nuôi nên rủi ro rất cao".
Nguồn gốc giống cua không rõ ràng, không bảo đảm chính là một trong những nguyên nhân căn cơ làm cho con cua chậm phát triển và rủi ro trong sản xuất cao. Hiện nhiều người dân mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm định chất lượng. Đặc biệt, người dân không thể phân biệt được đâu là con cua sạch bệnh.
Ông Đoàn Văn Tuyên, ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, cho hay, để chọn con cua sạch, khỏe, người dân chỉ dựa vào đánh giá cảm quan bên ngoài. Trình độ kỹ thuật, tay nghề đã thấp, nguồn gốc giống cua không rõ ràng, nhưng đa số người nuôi cua lại nuôi theo kiểu "sống chung, sống nhờ" vào con tôm, càng làm cho nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao.
Năm Căn hiện có gần 200 trại cua giống, thế nhưng để biết một trại cua bảo đảm chất lượng thì khó có một tiêu chí chính xác nào đánh giá. Hiện đa phần chỉ tập trung vào kiểm định chất lượng con tôm mà quên đi đối tượng cũng có tiềm năng phát triển mạnh, đó là con cua.
Ngoài ra, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay khi mở rộng sản xuất là vấn đề con giống. Đa số dựa vào giống cua tự nhiên, hiện một số trại đã ươm được cua giống, nhưng chất lượng không cao, nên khả năng thích nghi của cua con còn rất thấp. Chính vì vậy, cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về con giống để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân./.