Đã xử phạt nhiều lần
Theo phản ánh của người dân ấp Tân Tiến, ông Nguyễn Văn Bạch bắt đầu phá đất rừng đào ao nuôi tôm công nghiệp từ 2014. Cũng từ khi ông đào ao nuôi tôm công nghiệp xả thải ra môi trường nước khiến các hộ xung quanh không thể nuôi tôm (quảng canh) được. Người dân liên tục phản ánh đến chính quyền địa phương.
Theo UBND xã Tân Ân Tây, diện tích đất của ông Bạch được Cty Lâm nghiệp Ngọc Hiển quản lý, giao khoán bảo vệ rừng vào năm 1994 với diện tích 6,9ha. Năm 2014 ông Bạch phá đất rừng, bắt đầu nuôi tôm công nghiệp. Tại khu vực này, không thuộc diện tích quy hoạch nuôi tôm công nghiệp.
Ông Phạm Quốc Thanh - Trưởng ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây - cho biết, người dân đã khiếu nại nhiều lần. Tuy nhiên, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.
UBND xã Tân Ân Tây, cho biết, đầu năm 2014, xã đã lập biên bản và xử phạt 2 triệu đồng. Buộc ông Bạch phải khôi phục diện tích đất đã phá rừng để nuôi tôm về nguyên trạng ban đầu nhưng ông Bạch không chấp hành. Năm 2015, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ngọc Hiển đi kiểm tra, lập biên bản và xử phạt 20 triệu đồng, ông Bạch chấp nhận nộp phạt nhưng vẫn tiếp tục thả nuôi tôm mà không trả lại hiện trạng ban đầu, khôi phục lại rừng.
Cương quyết xử lý
Trước tình trạng bức xúc của người dân và hành vi phá đất lâm nghiệp tự chuyển đổi sang nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, Sở NNPTNT đã tiến hành kiểm tra thực tế. Ngày 9.5 UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Sở NNPTNT, Sở TNMT, UBND huyện Ngọc Hiển cương quyết xử lý dứt điểm tình trạng phá đất rừng nuôi tôm công nghiệp.
UBND tỉnh Cà Mau đề nghị rõ: “Yêu cầu dừng nuôi tôm công nghiệp không đúng quy định; san lấp mặt bằng hoàn trả hiện trạng đất lâm nghiệp trước khi đào ao nuôi tôm; hoàn thành việc trồng khôi phục rừng trong năm 2018 đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và tỉ lệ diện tích quy định…”.
UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị UBND huyện Ngọc Hiển kiểm tra, xác lập biên bản hiện trạng nuôi tôm, yêu cầu chủ hộ không mở rộng diện tích, có biện pháp bảo vệ môi trường. Nếu ông Bạch đang thả nuôi thì chờ đến khi thu hoạch, nhưng không quá 90 ngày.
UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị các đơn vị: Sở NNPTNT, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển, UBND huyện Ngọc Hiển tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý đúng quy định đối với từng đơn vị, cá nhân có liên quan đến hộ ông Bạch chặt phá cây rừng, đào đất lâm nghiệp, nuôi tôm công nghiệp trái phép kéo dài nhưng có biện pháp xử lý dứt điểm.
UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Sở NNPTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra trên địa bàn việc tự chặt cây rừng lấy đất nuôi tôm công nghiệp.