Tại Hội thảo, các bên đã thảo luận rất sâu vào vấn đề quản lý nguồn vốn và phương pháp huy động tiếp cận nguồn vốn của các bên tham gia chuỗi giá trị tôm như phương thức: Huy động nguồn vốn tại chỗ từ các thành viên trong và ngoài tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để hỗ trợ tái sản xuất và tăng nguồn vốn cho HTX, THT nâng cao sản xuất.
6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập mới 68 THT, 19 HTX, nâng tổng số HTX trong toàn tỉnh hiện có 167 HTX. Trong đó, có 150 HTX đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đăng ký trên 225 tỷ đồng, 3.032 thành viên, thu nhập bình quân của thành viên 3,5 triệu đồng/tháng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp có 94 HTX, trong đó, gần 20 HTX hoạt động ở loại hình dịch vụ nông nghiệp làm ăn hiệu quả. Các HTX này đã quan tâm tổ chức dịch vụ đầu vào và tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm của thành viên. Phần lớn các HTX còn lại là sản xuất con giống và nuôi trồng thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong thị phần nên lợi nhuận thấp. Chỉ khoảng 20% HTX loại này có lợi nhuận khá, 30% hòa vốn, số còn lại đều thua lỗ. Một số thành viên trong HTX không còn khả năng tài chính nên treo đầm hoặc chỉ nuôi cầm chừng do giá tôm nguyên liệu giảm mạnh.
Huy động nguồn vốn vay với sự phối hợp 4 bên: Đầu vào - người nuôi - đầu ra - ngân hàng thông qua kế hoạch sản xuất và có sự giám sát chặt chẽ, phân rõ trách nhiệm giữa các bên.
Theo khảo sát từ ICAFIS cho thấy: Cà Mau mặc dù có thế mạnh về ngành hàng tôm, tuy nhiên, việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu theo quy mô nông hộ và nợ đọng trong dân tại các ngân hàng còn rất nhiều. Nên vấn đề nguồn vốn cho đầu tư vào sản xuất và tái sản xuất là vấn đề cấp bách hiện nay nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ông Châu Công Bằng cho biết hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm bàn giải pháp để hỗ trợ vốn cho sản xuất; đặc biệt là đối với loại hình kinh tế hợp tác; thúc đẩy mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp ngày càng bền chặt và hiệu quả.