Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết, kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp. Việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém là một trong những nguyên nhân chính làm cho tôm nuôi bị thiệt hại kéo dài trong thời gian qua. Không chỉ thiệt về mặt kinh tế cho người nuôi, việc sử dụng các loại thuốc, hoá chất kém chất lượng trong nuôi trồng thuỷ sản còn đe doạ đến môi trường không chỉ một mà ở nhiều vụ nuôi tiếp theo.
Ông Ngô Thành Lĩnh, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản tỉnh Cà Mau (CASEP) ,cho biết, việc sử dụng những chất kháng sinh, chất cấm không rõ nguồn gốc trong ngành nuôi trồng thuỷ sản đang đến mức báo động. Nếu không khắc phục tốt vấn đề này, ngành xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đến uy tín, đánh mất dần thị trường và thương hiệu trên thế giới.
Đã qua, Việt Nam có nhiều lô hàng tôm xuất khẩu bị các nước nhập khẩu trả về do bị nhiễm các chất kháng sinh, vi sinh và các chất tạp khác. Các lô hàng bị cảnh cáo trả về chủ yếu xuất phát từ công đoạn nuôi trồng. Nguyên nhân do người nuôi hiện chưa tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch đối với một số hoá chất, kháng sinh cấm không được phép sử dụng.
Ông Trần Thanh Phương, Ấp 4, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, cho biết, khi tôm bị bệnh là tìm mọi cách để điều trị, bất cứ thuốc gì miễn sao tôm hết bệnh, bất kể đó là chất cấm hay kháng sinh. "Thuốc thú y thuỷ sản bây giờ quá nhiều loại, người nuôi rất khó khăn khi chọn lựa. Chúng tôi không biết thuốc nào là tốt, đúng quy định, thuốc nào là trong danh mục", ông Phương co biết.
Với nhiều năm nuôi tôm công nghiệp, ông Nguyễn Hiền Thức, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, chia sẻ: "Thức ăn, thuốc và các hoá chất dùng trong nuôi tôm chiếm từ 50-70% chi phí vụ nuôi và là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của vụ nuôi nên người nuôi ai cũng chọn thức ăn của những công ty có thương hiệu trên thị trường để sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay thị trường thuốc thú y thuỷ sản và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi tôm có rất nhiều loại sản phẩm có tên na ná nhau. Do đó, nông dân nuôi tôm không biết sản phẩm nào thật, sản phẩm nào giả, chất lượng ra sao mà chọn lựa nên chỉ còn trông chờ vào sự giới thiệu của đại lý. Chỉ khi nào sản phẩm mua về sử dụng thấy không đạt hiệu quả mới biết là sản phẩm kém chất lượng và mua sản phẩm khác về sử dụng tiếp".
Ông Phạm Thế Tài khẳng định, có đến 30% mẫu thuốc thuỷ sản được kiểm tra từ đầu năm đến nay không đảm bảo chất lượng. Mới đây, ngày 14/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi vừa ký quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Phát triển công nghệ môi trường Gia Hưng (Công ty Gia Hưng), địa chỉ số 58/17, Trương Văn Thành, phường Hiệp Phú, Quận 9, TP Hồ Chí Minh, vì hành vi kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản ngoài danh mục cho phép.
Trước đó, vào ngày 27/2, qua công tác kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển của công ty, Đội Kiểm tra liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau đã phát hiện 7 loại thuốc thú y thuỷ sản ngoài danh mục, nên đã tiến hành lập biên bản vụ việc và tạm giữ tang vật.
Ông Phạm Thế Tài kiến nghị, khi kiểm tra phát hiện cần xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người dân biết, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT để truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm theo quy định./.
Công ty Gia Hưng bị xử phạt 100 triệu đồng,về hành vi kinh doanh 7 loại thuốc thú y thuỷ sản ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Ngoài việc xử phạt này, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau tiến hành thu hồi, đồng thời tiêu huỷ toàn bộ 7 loại thuốc tang vật mà lực lượng làm nhiệm vụ đã tạm giữ.