Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau áp dụng nuôi tôm bằng nhiều hình thức như: quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh… Mỗi hình thức nuôi đều có những ưu, nhược điểm riêng. Chính vì vậy, để tìm ra một hình thức nuôi với chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao là vô cùng cần thiết. Qua đánh giá thực tế cho thấy, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến đã mang lại hiệu quả cao và phát triển một cách bền vững. So với các mô hình khác, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến Hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến được khuyến khích phát triển tại tỉnh Cà Mau và đang phát triển mạnh tại các huyện như: Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước, Phú Tân, Đầm Dơi. Ưu thế của loại hình nuôi này là vốn đầu tư ít, phù hợp với đặc điểm đất đai, kỹ thuật, kinh nghiệm, điều kiện sản xuất của nhiều bà con và cho năng suất khá. Đặc biệt, mô hình này đảm bảo được tính bền vững, bảo vệ môi trường. Không gây áp lực sức tải lên môi trường. Đây là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong điều kiện sản xuất hiện nay.
Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội tháng 8/2018 và 8 tháng năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau tháng 8/2018 đạt 46 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, sản lượng tôm đạt 16,4 nghìn tấn tăng 7,5% so với cùng kỳ. Lũy kế đến tháng 8/2018, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 366 nghìn tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, sản lượng tôm đạt trên 120 nghìn tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Đối với nuôi tôm quảng canh cải tiến, tính đến hết tháng 8/2018, trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau có trên 115,2 nghìn ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, tăng 551 ha so với tháng trước, đạt 88,6% kế hoạch; diện tích thả nuôi đạt 99,7%; năng suất bình quân đạt từ 450 - 550 kg/ha/năm. Từ hiệu quả mà mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến mang lại, tỉnh Cà Mau đang chú trọng chuyển dịch mô hình nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm quảng canh cải tiến.