Theo một số nông dân, việc làm được vụ lúa trên đất nuôi tôm là điều không khó, nhưng đòi hỏi nông dân phải quyết tâm, chủ động ngay từ đầu. Đặc biệt là phải cắt vụ tôm nuôi trong lúc rửa mặn thì cải tạo đất mới hiệu quả.
Hiệu quả vượt trội
3 năm nay năm nào ông Võ Văn Kiệt, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ cũng làm lúa trên đất nuôi tôm. Hiệu quả của cây lúa đối với môi trường và sự phát triển của con tôm thì nhiều người thấy rất rõ. Tuy có trúng, có thất nhưng chắc chắn rằng một khi làm được lúa thì tôm nuôi sẽ ổn định và cho năng suất khá.
Ông Kiệt cho biết, năm 2017, năm đầu tiên ông làm lúa trên đất nuôi tôm đã cho hiệu quả vượt trội. Cấy 5 công lúa cho thu hoạch 70 giạ lúa khô. Mục tiêu của ông Kiệt là cấy lúa chỉ để lấy rạ cải thiện môi trường, làm thức ăn cho tôm, nhưng lại thu hoạch được lúa là lợi ích kép. Đáng nói là năm đó ông thả và thu hoạch 3 vụ tôm trúng 80 triệu đồng trên diện tích không đến 1 ha.
Năm 2018, ông Kiệt tiếp tục làm lúa, nhưng không thu hoạch được lúa. Nguyên nhân là do ông làm hơi trễ, thiếu nước ngọt, hơn nữa chỉ một mình ông làm, bà con xung quanh không làm nên lấy nước mặn vào vuông làm thấm mặn qua ruộng lúa đang ngậm đòng đòng của ông Kiệt. Được cái năm đó tôm nuôi cũng phát triển ổn định.
Năm nay, ông Kiệt tiếp tục làm lúa trên đất nuôi tôm. Ngay từ đầu, ông chủ động tháo rửa mặn, gieo mạ trên sân để cấy. Đến thời điểm này, lượng nước trong vuông vừa đủ ngọt, mạ vừa đủ tuổi để cấy.
Ông Trần Sáng Mãi, ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ năm rồi cũng làm được gần 10 công lúa. Dù bị ảnh hưởng nước mặn, chim chuột phá hoại, nhưng cuối vụ ông cũng thu hoạch được gần trăm giạ lúa. Thế là năm nay ông Mãi tiếp tục làm lúa. Trước đây, do chạy theo nuôi tôm công nghiệp thâm canh, ông không chú ý làm lúa. Nhưng sau một vài năm hiệu quả không cao, không đủ điều kiện chuyển sang nuôi siêu thâm canh nên ông san ủi đầm trở về nuôi quảng canh cải tiến, diện tích đất còn lại nuôi quảng canh truyền thống kết hợp cấy lúa. Năng suất tuy thấp nhưng tính hiệu quả thì khá do đầu tư ít, quan trọng là tôm nuôi ổn định.
Làm lúa không khó
Để làm lúa được trên đất nuôi tôm là điều không khó đối với nhiều nông dân. Tuy nhiên, nông dân phải quyết tâm xả nước từ những đám mưa đầu tiên. Sau đó, cứ xả dần đến ngọt thì giữ ngọt lại cấy lúa. Mạ thì cũng gieo trên sân, vườn ngay những đám mưa đầu mùa. Khi nước trong vuông ngọt thì mạ cũng đủ tuổi để cấy. Sau khi cây lúa phát triển tiến hành thả tôm đã được thuần hoá hạ độ mặn từ 1-2 %o.
Chi phí để sản xuất 1 công lúa trên đất nuôi tôm ước tính gần 1 triệu đồng (tính cả chi phí thuê mướn). Nếu vụ lúa đạt năng suất khá thì coi như nông dân vừa đủ thu lại vốn. Tuy nhiên, cái lợi lớn nhất chính là hiệu quả con tôm. Một số nông dân thời gian qua sản xuất lúa trên đất nuôi tôm đều xác nhận, cây lúa chính là môi trường sống tuyệt vời cho con tôm. Tôm kháng được bệnh và môi trường nước ít bị ô nhiễm. Rạ lúa còn sinh ra thức ăn cho tôm.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Nguyễn Đức Thông, năm nay, nhiều bà con có ý thức làm lúa trên đất nuôi tôm. Song, cái khó vẫn là bị xâm nhập mặn vào cuối vụ. Mặc dù địa bàn xã có một phần nằm trong dự án tiểu vùng thuỷ lợi khép kín, song phần lớn bà con thực hiện không đồng loạt, hộ làm hộ không. Hộ nào làm lúa thì tự bao ví theo phần đất của mình để rửa mặn, giữ ngọt. Hộ không làm thì vẫn để mặn nên ảnh hưởng đến hộ lân cận. Hiện nay, việc quy hoạch cũng khó khăn do trong cùng một khu vực nhưng người dân không thực hiện đồng thời. Có hộ thì nuôi tôm thâm canh, hộ nuôi quảng canh, hộ thì lúa - tôm… nên chỉ có cách là tự ai nấy làm.
Như vậy, để sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm hiệu quả, cùng sự quyết tâm tích cực của nông dân, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo về hệ thống thuỷ lợi ngăn mặn, giữ ngọt, chống tràn. Đặc biệt là những nông dân trong cùng một khu vực phải làm đồng loạt. Thiết nghĩ, địa phương nên có sự cương quyết hơn trong việc quy hoạch đồng bộ trong sản xuất theo từng khu vực trên cơ sở ý kiến của đông đảo Nhân dân.