Mưu sinh ven biển
Gia đình ông Thời, ở Thành phố Bạc Liêu, ngày nào cũng ra biển đánh bắt thủy sản. Phương tiện là những chiếc xuồng gắn máy, không có định vị gì. Lưới đánh cá là những dụng cụ bắt cá thông thường.
Quê tận huyện Đông Hải, làm ăn thất bại về đây bám biển để mưu sinh, ông Thời ngậm ngùi chia sẻ: “Biết đánh bắt cá tôm vậy là không phải, nhưng gia đình khó khăn biết làm gì đây, đành ra biển tìm được con gì ăn con đó”.
Không riêng gì ông Thời, mà tại vùng biển Bạc Liêu có trên 800 người dân hàng ngày ngụp lặn miền ven biển để mưu sinh.
Tại Cà Mau con số này gấp 3 lần bởi họ sống ven biển, ngoài đê bao. Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau nhận định: “Những người dân đánh bắt thủy sản bằng phương tiện nhỏ, dưới 30CV thuộc địa phương quản lý. Họ thuộc diện phải chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, thống kê của các địa phương ven biển, có đến trên 4.000 người mưu sinh bằng nghề này”.
Theo ông Nam, những người đánh bắt gần bờ hầu hết là khó khăn. Mỗi khi có bão, công tác kêu gọi vào bờ, nắm bắt phương tiện vô cùng khó khăn vì phần lớn họ không đăng ký khai thác thủy sản.
Chuyển đổi nghề, chuyện không dễ
Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, song việc chuyển đổi nghề, sắp xếp tái định cư thời gian qua bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Sau 2 năm kể từ khi có được nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi từ te sang lưới rê, gia đình anh Nguyễn Văn Đấu (ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có nhiều đổi khác. Anh Đấu cho biết, giờ đây mỗi chuyến biển (sáng đi chiều về) anh thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trước, cuộc sống gia đình dần ổn định.
Anh Đấu là một trong những hộ được chọn tham gia mô hình lưới rê thí điểm tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời và xã Khánh Hội, huyện U Minh năm 2018. Theo đánh giá của bà con ngư dân, hiệu quả mô hình mang lại khá tốt.
Một mô hình chuyển đổi ngành nghề khác được thí điểm trước đó tại xã Tân Hải, huyện Phú Tân (Cà Mau) cũng được ngư dân đánh giá khá hiệu quả là lưới rê. Theo đó, ngư dân sử dụng kích thước mắt lưới 80mm, đối tượng khai thác chính là ghẹ và các loại cá khác. Qua triển khai hơn 1 năm cho thấy, đây là mô hình khá hiệu quả khi doanh thu trung bình mỗi chuyến biển (sáng đi chiều về) từ 2,5 triệu đồng.
Từ những hiệu quả trên, hiện nay nhiều hộ dân đang có nhu cầu được hỗ trợ vốn để chuyển đổi ngành nghề. Ông Trần Văn Hạnh (ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi) kiến nghị, đa phần bà con ven biển rất khó khăn, không đủ khả năng tự chuyển đổi dù rất muốn.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi Trương Văn Xệ, nguồn kinh phí hàng năm toàn xã chỉ khoảng vài trăm triệu đồng. Số tiền này so với nhu cầu của ngư dân hiện nay thì không thấm vào đâu. Do đó, xã chỉ ưu tiên xem xét những hộ đủ tiêu chuẩn là có mô hình sản xuất cụ thể để hỗ trợ.
Không chỉ có chuyển đổi nghề cho ngư dân mà công tác tái định canh, định cư đã được triển khai nhiều nơi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 8 dự án bố trí ổn định dân di cư tự do. Khi hoàn thành, các dự án này sẽ bố trí được khoảng 3.583 hộ. Trong đó có 2.081 hộ dân di cư tự do, còn lại là hộ vùng thiên tai.
Mới đây, trong chuyến kiểm tra tiến độ các dự án hộ đê biển Tây trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã có ý kiến chỉ đạo kiên quyết về triển khai thực hiện dự án tái định cư khu vực vàm Đá Bạc: Đối với công tác tái định cư, khi giao nền cho dân phải tiến hành thật công khai, minh bạch theo hình thức bắt số và ưu tiên những hộ chấp hành tốt chủ trương. Khu tái định cư làm theo hình thức cuốn chiếu, làm tới đâu giao nền cho dân tới đó để người dân ổn định cuộc sống càng sớm càng tốt.