Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, trên biển có 3 cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc. Trong đó, cụm đảo Hòn Khoai gần đường hàng hải quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Từ tiềm năng và lợi thế sẵn có, Cà Mau định hướng trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh, bền vững kinh tế biển của khu vực ĐBSCL. Trong đó, hướng tới các ngành nghề kinh tế biển phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng xanh, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân các huyện, xã, thị trấn ven biển; đặc biệt là các tài nguyên biển, đảo, được quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả và bền vững.
Cà Mau phấn đấu đến năm 2030, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân tăng 7%/năm. Trong đó, các ngành kinh tế biển, thuần biển đóng góp khoảng 40 - 45% tổng thu ngân sách của tỉnh; nâng cao thu nhập bình quân đầu người của tỉnh từ 3.320 USD giai đoạn 2021-2025 lên 4.500 - 4.700 USD giai đoạn 2025-2030. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người vùng ven biển cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh. Ngoài ra, tại các đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối có điện sinh hoạt, nước ngọt, trạm y tế, trường học và phương tiện vận tải đảm bảo kết nối từ đất liền với đảo hằng ngày…
Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản từ 3,3 triệu tấn giai đoạn 2021-2025, tăng lên 7,1 triệu tấn vào năm 2030. Qua đó, tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản giai đoạn 2021-2025 đạt từ 5,65 tỉ USD lên 7 tỉ USD trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Phát triển làng nghề truyền thống ven biển là giải pháp nâng cao thu nhập của người dân Cà Mau. Ảnh: Gia Bách
Cách làm mới
Những năm qua, Cà Mau đã quan tâm, có bước đi thích hợp và những cách làm mới trong quy hoạch phát triển kinh tế ven biển.
Vùng biển Cà Mau có diện tích thăm dò, khai thác khoảng 80.000 km², nằm trong vòng cung đường biển của nhiều trung tâm phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Cà Mau còn là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, nguồn lợi thủy sản rất dồi dào, phong phú, đa dạng về loài, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản hằng năm đạt trên 550.000 tấn, xuất khẩu sang hơn 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt trên 1 tỉ USD. Hằng năm, kinh tế biển đóng góp khoảng 55% GRDP; là tỉnh đứng đầu cả nước có số lượng nhà máy chế biến thủy sản và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm.
Cà Mau đang đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống xói lở bờ biển, cửa sông ven biển, sụt lún đất trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Gia Bách.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, để đạt mục tiêu đặt ra, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, bao gồm cả hạ tầng các đô thị ven biển, ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường bộ kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển liên kết vùng; các tuyến vận tải đường biển kết nối Cà Mau với các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, các cụm đảo, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, đảo.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển toàn diện cả khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy - hải sản; gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi giá trị, đồng thời phát triển mạnh dịch vụ thủy sản. Song song đó là tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, không vi phạm vùng biển các nước; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với bảo vệ rừng phòng hộ.
Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển và các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao tại các vùng ven biển. Tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.