Bà Đoàn Kim Ni, Ấp 5, xã Nguyễn Phích, cho biết: "Năm 2014, năng suất vụ lúa trên đất nuôi tôm của gia đình đạt từ 3,5-4 tấn/ha. Năm vừa rồi, do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn nên năng suất đạt thấp. Năm nay, gia đình dự định gieo cấy lúa trên diện tích 17.000 m2; tranh thủ lượng mưa nhiều, gia đình đã bơm tát rửa mặn được 3-4 lần. Hy vọng có được vụ lúa thành công".
Ông Nguyễn Văn Vẹn, Ấp 6, xã Nguyễn Phích, chia sẻ: "Việc rửa mặn trong vuông tôm phải tiến hành nhiều đợt. Khi độ mặn còn dưới 2o/oo mới đảm bảo cho việc gieo sạ. Kinh nghiệm cho thấy, nhờ thực hiện tốt khâu rửa mặn nên mùa nào vụ lúa trên đất nuôi tôm của gia đình cũng đạt từ 18-20 giạ/công".
Trong những ngày này, không riêng xã Nguyễn Phích, người dân các xã: Khánh An, Khánh Thuận, Khánh Hoà cũng đồng loạt bắt tay vào rửa mặn để đảm bảo cho việc lấp vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Ông Đỗ Thanh Dân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết: "Năm 2017, huyện đề ra chỉ tiêu sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm 18.860 ha. Để hoàn thành diện tích này, ngay từ đầu năm, huyện tổ chức hội nghị chuyên đề sản xuất, giao chỉ tiêu cho từng đơn vị. Hiện nay, ngành nông nghiệp tuyên truyền, vận động bà con tích cực rửa mặn nhằm đảm bảo vụ lúa thành công. Bà con có thể áp dụng việc cày, trục, xới xáo tầng mặt kết hợp với bón vôi trên mặt ruộng, giúp khâu rửa mặn được nhanh. Phải đảm bảo độ mặn dưới 2‰ mới xuống giống. Đồng thời, bà con nên chọn các giống lúa chịu được mặn cao như: một bụi đỏ, lùn Kiên Giang, ST20 và Cà Mau gieo trồng để đạt hiệu quả cao".