LỢI THẾ ĐỂ GIỮ THƯƠNG HIỆU CHO ĐẶC SẢN
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi nhiều sản vật. Các đặc sản là niềm tự hào và cũng là nguồn thu nhập đáng kể của người dân. Những đặc sản rất phổ biến của Cà Mau là tôm khô, cua biển, sò huyết, vọp, cá lóc, cá sặt rằn, cá trê, mật ong… và các loài thủy, hải sản được nuôi trồng và đánh bắt. Đây là lợi thế để Cà Mau thu hút khách du lịch cũng như xuất khẩu, mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương và nâng cao đời sống người dân.
Tuy nhiên, để giữ vững thương hiệu cho đặc sản Cà Mau trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay là rất khó khăn, vì tình trạng gian lận thương mại ngày càng tăng; hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều, với những thủ đoạn rất tinh vi, phần nào đã làm suy giảm uy tín, thương hiệu của các đặc sản. Một số đặc sản của địa phương đã từng nổi tiếng trên thị trường, do không được quan tâm đúng mức, không đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu đã trở nên mai một, mất uy tín và không còn đủ sức cạnh tranh.
Khô bổi U Minh là thương hiệu được chứng nhận cho đặc sản của hai địa phương là huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời. Nghề làm khô bổi đã tạo việc làm đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều người dân địa phương..
Nhãn hiệu tập thể thường là của một hiệp hội hoặc một tập thể, các thành viên trong đó có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể để quảng bá sản phẩm. Thực tế đã chứng minh, nhãn hiệu tập thể là hình thức hiệu quả để cùng quảng bá sản phẩm của một nhóm doanh nghiệp; nếu là với từng nhãn hiệu riêng biệt, khó có thể được người tiêu dùng nhận biết hoặc được các đại lý lớn chấp nhận phân phối.
Việc được công nhận nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, cũng là tạo uy tín cho các đặc sản Cà Mau trong quảng bá hình ảnh.
Tôm khô Rạch Gốc nổi tiếng từ rất lâu.
PHÁT HUY GIÁ TRỊ
Cuối năm 2015, huyện Năm Căn tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn Cà Mau. Theo đó, nhãn hiệu cua Năm Căn Cà Mau được cấp cho các cơ sở đăng ký kinh doanh mặt hàng cua Năm Căn và hội viên Hội Nông dân huyện. Đây là kết quả sau hơn 4 năm đăng ký và thực hiện quy trình. Có thế mới thấy, để có được một nhãn hiệu thì không phải dễ dàng, mà là cả một quy trình và sản phẩm phải được kiểm chứng, nhận được sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng cũng như nhà quản lý.
Cua Năm Căn từ lâu đã nổi tiếng không chỉ ở khu vực mà trên toàn quốc với chất lượng ngon rất đặc trưng, do đó giá cua tuy cao nhưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều năm nay, cua Năm Căn Cà Mau không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước mà đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Việc được công nhận nhãn hiệu không chỉ là bước ngoặt lớn giúp nâng cao giá trị thương hiệu cua Năm Căn, mà còn giúp nông dân, các cơ sở kinh doanh bảo vệ được quyền lợi, tăng vị thế về giá trị mặt hàng khi mở rộng thị trường và xuất khẩu. Thương hiệu cua Năm Căn Cà Mau là một trong những mặt hàng tươi sống đầu tiên của Cà Mau được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu. Hiện nay, Ban Quản lý nhãn hiệu cua Năm Căn đã ban hành quy chế hoạt động và có giải pháp kiểm tra, giám sát tình hình mua bán cua trên thị trường nội địa.
Có thâm niên kinh doanh cua xuất khẩu, anh Phan Hoàng Diệu (vựa mua cua Hoàng Diệu) tại Khóm 1, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, chia sẻ: “Việc công nhận nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn Cà Mau đã giúp việc kinh doanh của gia đình thuận lợi hơn nhiều, nhất là có nhiều đơn đặt hàng lớn từ thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn”.
Tôm khô Rạch Gốc (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) nổi tiếng từ rất lâu. Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2012, uy tín của sản phẩm đối với người tiêu dùng càng được nâng lên. Hiện tại, huyện Ngọc Hiển có 5 cơ sở đã đăng ký nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở cho ra thị trường từ 2 - 5 tấn tôm khô, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 130 lao động với mức thu nhập từ 2 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Doanh nghiệp tư nhân Chí Tâm là một trong những cơ sở đi đầu trong việc tham gia nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc. Cơ sở đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất hiện đại trị giá gần 1 tỷ đồng, từ các khâu rửa, luộc, sấy, bóc vỏ, đóng gói hút chân không. Cuối năm 2012, cơ sở cho ra sản phẩm mang thương hiệu tôm khô Rạch Gốc, nhãn hiệu cơ sở Chí Tâm. Từ khi đầu tư với quy mô lớn, nhu cầu thị trường tăng cao, mỗi ngày cơ sở sản xuất trên 20 tấn tôm khô, tăng hơn 10 tấn so với lúc chưa đầu tư. Anh Tâm chia sẻ: “Hiện nay, cơ sở chúng tôi ký hợp đồng dài hạn với nhiều điểm phân phối trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh. Khi có thương hiệu, cơ sở tôm khô chúng tôi an tâm sản xuất hơn vì sản phẩm khi ra thị trường không bị pha tạp, trà trộn với những mặt hàng tôm khô không có thương hiệu”.
Nhìn chung, công tác xây dựng, đăng ký bảo hộ và phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương trong thời gian qua luôn được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức và đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo được niềm tin và phấn khởi trong người dân. Bảo hộ thương hiệu đặc sản của địa phương là bước đi rất quan trọng để giữ gìn và phát huy, nâng cao giá trị của từng sản phẩm mang nhãn hiệu thời hội nhập. Hy vọng, sẽ có thêm nhiều sản phẩm đặc sản của quê hương Cà Mau được bảo hộ, để mỗi người con của Cà Mau dù có đi đâu cũng nhìn thấy được đặc sản của quê mình, trên cả nước và nhiều nơi trên thế giới.