Thu hoạch tôm công nghiệp ở huyện Đầm Dơi.
Nhằm hỗ trợ cho người dân chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần đảm bảo ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất phát triển, Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013 ra đời. Theo đó, tỉnh Cà Mau thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở 3 huyện, thành phố với diện tích trên 24.100 ha và trên 20.000 hộ tham gia.Quyết định 315/QĐ-TTg nêu rõ, hộ nghèo được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80%, hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo hỗ trợ 60%, tổ liên kết sản xuất được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm.
Các rủi ro được bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm như bão, lũ, rét hại, sương giá, dịch heo tai xanh, bệnh lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm, bệnh thủy sản, bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa.
Đặc thù nuôi tôm sú có thời gian từ 150-180 ngày mới thu hoạch, nhưng theo các điều, khoản tại Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, bảo hiểm chỉ bồi thường thiệt hại do dịch bệnh và thiên tai ở tôm sú lớn nhất là 120 ngày.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, bổ sung hỗ trợ cho hình thức nuôi tôm quảng canh và sớm hoàn chỉnh bộ tài liệu tuyên truyền chung để triển khai đến các địa phương.
Giám đốc Công ty Bảo Minh Cà Mau Trịnh Hoàng Khanh cho biết, Bảo Minh là 1 trong 9 doanh nghiệp được chọn triển khai đề án thí điểm BHNN. Bảo hiểm nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực bảo hiểm tiềm ẩn nhiều rủi ro và đặc thù của nền sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên cũng khó xác định được mức thiệt hại khi có thiên tai, dịch bệnh.
Do vậy, quá trình bồi thường bảo hiểm sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, để gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và nông dân, Nhà nước cần có một bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể hơn nữa mới thực hiện được BHNN.