Vài năm về trước, nhiều hộ dân trên địa bàn TP Cà Mau nuôi cá sấu trúng giá thu lãi hàng trăm triệu đồng, nên bà con nông dân ở các phường, xã đều xây chuồng, mua cá con để nuôi theo. Thế nhưng, đầu năm nay, giá cá sấu từ 230.000-240.000 đồng/kg thì giờ đây chỉ còn 60.000 đồng/kg. Vì thế, nhiều người dân như ngồi trên đống lửa, bán ra cũng không được mà nuôi tiếp cũng không xong.
Gia đình ông Dương Trường Giang (ấp Xóm Lung, xã Ðịnh Bình, TP Cà Mau) điêu đứng vì đàn cá sấu gần 50 con đã tới ngày xuất chuồng nhưng không thể bán. Giá cá sấu đang dưới mức đầu tư nên ông Giang phải giữ lại để tiếp tục nuôi nhưng cho cá sấu ăn ít lại để giảm trọng lượng.
Tuy nhiên, chỉ có thể “cầm cự” trong một thời gian ngắn vì tổng tiền thức ăn, tiền điện, nước vệ sinh chuồng trại hằng ngày không phải là con số nhỏ. Mà khổ nỗi, thương lái Trung Quốc chỉ mua cá có trọng lượng từ 15-20 kg, nếu cá sấu lớn thì giá thấp và cũng có thể không thu mua.
Sở dĩ thương lái Trung Quốc ra quy định đó là muốn buộc người nuôi vào hoàn cảnh khổ càng thêm khổ, vì cá sấu quá lứa phải ăn nhiều thức ăn, mà người nuôi cá sấu neo thêm ngày nào thì tốn tiền ngày đó. Do vậy, phải bán tháo, bán đổ hay chỉ cho ăn để sống và tiếp tục nằm chờ giá tăng lên.
Ông Dương Trường Giang bức xúc: “Tôi định bán xong đợt cá sấu này rồi nghỉ, chuyển sang nuôi vịt xiêm còn lời hơn. Cũng may là tôi nuôi ít chứ nuôi nhiều chắc mạt luôn”.
Chuyện nuôi cá sấu theo phong trào rồi bị thương lái Trung Quốc ép giá, không còn là bài học xa lạ của người dân mà cứ y như rằng, lần nào người dân cũng bị sa lưới. Hễ giá cá sấu thương phẩm tăng cao là chẳng bao lâu giá cá sấu giống lại tăng đến chóng mặt, thế nên người dân cứ ồ ạt xây chuồng, mua cá giống về nuôi nhưng chẳng lâu sau lại rớt giá thê thảm như thế này. Nhiều hộ dân phải lao đao, điêu đứng, treo chuồng và nợ nần chồng chất.
Ðồng cảnh ngộ với anh Giang, hộ gia đình ông Dương Thanh Thủ (ấp Cái Nai, xã Hoà Tân, TP Cà Mau) đang đau đầu vì 4 chuồng cá sấu gần 200 con, đang phải neo chờ đến ngày giá cá sấu tăng trở lại. Ông Thủ than thở: “Cá sấu hiện nay xuống giá như thế ảnh hưởng nguồn kinh tế của gia đình tôi rất nặng nề. Vì mỗi lần ăn, tôi phải tốn tiền cá mồi từ 700.000-800.000 đồng, cứ trung bình mỗi tuần cho cá ăn 3 lần”.
Ðặc biệt, trong những ngày này, các hộ gia đình trong Tổ hợp tác An Xuyên đang đứng ngồi không yên. Hiện nay, Tổ hợp tác nuôi cá sấu ở Ấp 10, xã An Xuyên, có 10 hộ gia đình với gần 700 con cá lớn nhỏ. Ông Huỳnh Văn Cận, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá sấu ở Ấp 10, xã An Xuyên, tâm tình: “Tổ hợp tác chúng tôi gồm 10 thành viên, vừa rồi có vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để nuôi cá sấu, thời hạn hoàn trả vốn là 2 năm. Nhưng giờ cá sấu rớt giá quá, chúng tôi thua lỗ nặng”.
Hiểu được nỗi khổ của những hộ dân nuôi cá sấu, chính quyền địa phương cũng bàn bạc, kiến nghị, tìm đầu ra nhưng vẫn chưa có cách giải quyết tình hình trước mắt.
Ông Trần Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Tân, thông tin: “Hiện nay, cá sấu người dân nuôi lớn hết rồi mà giá cả rất bấp bênh. Thế nên, đa phần người dân không bán mà để lại nuôi. Nhưng giá cá mồi quá cao, giá cá sấu bán ra thì quá thấp, thành ra bà con rất lo ngại”.
Ông Lê Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ðịnh Bình, cho biết: “Hội Nông dân xã Ðịnh Bình thường xuyên kiến nghị lên Hội Nông dân TP Cà Mau về tình hình giá cá sấu rớt giá liên tục. Nhưng do nền kinh tế thị trường, nên Hội Nông dân thành phố chỉ có thể tìm thương lái chứ không thể quyết định giá cả trong thời điểm này”.
Trước tình hình nuôi cá sấu ồ ạt trong những năm qua, người dân cần tìm hiểu nhu cầu bền vững của thị trường trước khi nuôi, tránh tình trạng “cung vượt cầu”, “được mùa mất giá” làm ảnh hưởng kinh tế của người dân./.