Năm 2012, các trại sản xuất tôm giống trong tỉnh đã sản xuất được 7 tỷ con tôm giống, đáp ứng 60% nhu cầu của người nuôi tôm, 40% còn lại bà con phải mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Trong khi mua tôm giống tại chỗ thông qua kiểm dịch thả nuôi tỷ lệ rủi ro là 30%, nhưng mua tôm giống trôi nổi thì tỷ lệ rủi ro là 80%. Mặc dù vậy nhưng bà con nông dân không còn lựa chọn nào khác vì nếu chậm sẽ lỡ mùa vụ.
Xác định nhu cầu tôm giống là khâu quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, từ năm 2000 tỉnh Cà Mau đã quy hoạch chiến lược chương trình tôm giống.
Theo đó đến năm 2010 toàn tỉnh phải có 1.000 trại sản xuất tôm giống, mỗi năm cung cấp cho người nuôi 12 tỷ con giống. Những năm đầu số lượng trại sản xuất tôm giống phát triển nhanh, đến năm 2010 đã có trên 800 trại, nhưng 2 năm sau tức là vào thời điểm hiện nay toàn tỉnh chỉ còn 550 trại, mất đi 250 trại. Nguyên nhân số lượng trại sản xuất tôm giống giảm mạnh là do sản xuất không hiệu quả nên nhiều chủ doanh nghiệp bỏ nghề.
Ông Trần Văn Vạn, một chủ trại sản xuất tôm giống ở huyện Năm Căn cho biết, theo quy ước, người nuôi tôm đến mua tôm giống không phải trả tiền mặt mà thanh toán bằng hình thức gối đầu, thu hoạch rồi mới trả tiền. Tuy vậy, khi bà con trúng mùa thì họ trả nợ để tiếp tục nhận con giống, ngược lại nếu thất mùa thì họ nợ, nợ chồng lên nợ. Có những người bị nợ năm, bảy tỷ đồng dẫn tới vỡ nợ! Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho trại sản xuất tôm giống giảm mạnh, kéo theo tình trạng thiếu tôm giống .
Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đang chủ trương khuyến khích doanh nghiệp có điều kiện mở trại sản xuất tôm giống, sẽ được nhà nước hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Các hợp tác xã, tổ sản xuất nuôi tôm đóng vai trò trung gian đứng ra bảo lãnh, chịu trách nhiệm thanh toán để bên bán không bị thiệt.
Đây là cách làm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất tôm giống, đồng thời để khắc phục tình trạng thiếu tôm giống nghiêm trọng hiện nay ở Cà Mau.