Đây là dự án do các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế tài trợ.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết trước năm 1975, diện tích rừng ngập mặn của Cà Mau khoảng trên 350.000 ha nhưng nay chỉ còn khoảng 100.000 ha. Lý do là trước đây, tình trạng nông dân phá rừng nuôi tôm rất phổ biến, khó kiểm soát.
“Vài năm gần đây, tư duy nuôi tôm đã thay đổi hoàn toàn. Hiện phần lớn người dân Cà Mau nuôi tôm theo hình thức quảng canh. Một vuông tôm rộng chừng 3 - 5 ha, nằm xen kẽ dưới tán rừng. Tới mùa người dân thả con giống, đợi 3 - 4 tháng sau tôm lớn thì thu hoạch theo từng con nước vào các đợt triều cường giữa và cuối tháng (âm lịch). Tôm sẽ tự tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên nên người nuôi không cần cho thức ăn công nghiệp”, ông Bằng nói và cho biết kết quả này bắt đầu từ dự án “Bảo tồn rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải - MAM” do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện.
Nhiều lợi ích
Chị Lê Kim Nhân ở ấp Bà Hương, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) kể mấy năm trước nghe có dự án hỗ trợ kỹ thuật cho bà con ở xã Viên An Đông nuôi tôm, kết quả rất khả quan, nên khi dự án mở rộng đến xã Đất Mũi chị "xúi" ông xã đi tập huấn để tham gia. Anh Lê Minh Hùng, chồng chị Nhân, xác nhận lời vợ và cho biết dù nuôi tôm lâu năm có nhiều kinh nghiệm nhưng khi đi học mới biết có nhiều cái làm theo kinh nghiệm là không đúng.
“Ví dụ như mọi người cứ nghĩ là phá rừng để nuôi tôm, còn bây giờ mình mới biết là nếu có mật độ che phủ phù hợp của rừng thì việc nuôi tôm sẽ tốt hơn. Có rừng, có nguồn thức ăn tự nhiên nhiều, tôm sẽ mau lớn hơn. Hay tôm nuôi theo tiêu chuẩn sinh thái sẽ bán được giá cao hơn...”, anh Hùng nói.
Đã tham gia MAM được 3 năm với hơn chục lần tập huấn, ông Thái Hoàng Nam (xã Viên An Đông) kể ngày trước ông và nhiều bà con ở đây nuôi tôm một năm chết 2 - 3 lần là bình thường. Thấy tôm chết thì cứ mua thêm giống thả vô thay thế. Sau khi tập huấn mới biết tôm chết là do nguồn nước bị ô nhiễm hay độ mặn không phù hợp, nên thả tiếp chỉ thêm lãng phí.
“Giờ được tập huấn kỹ thuật nên tôm nuôi ít khi chết và tỷ lệ sống cũng cao hơn. Tôm của tôi đã được cấp chứng chỉ Naturland (tôm sinh thái), được Công ty Minh Phú bao tiêu với giá cao hơn thị trường nên tính ra cũng được nhiều cái lợi. Để được chứng nhận là tôm sinh thái phải có diện tích rừng che phủ 50% diện tích vuông tôm. Dù tỷ lệ rừng trong ao tôm của tôi đã đủ nhưng tôi vẫn tiếp tục trồng thêm để bảo vệ môi trường”, ông Nam tâm sự.
Xu hướng thị trường
Minh Phú là doanh nghiệp thu mua toàn bộ tôm từ các hộ nuôi tôm thuộc dự án MAM và chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng cho các hộ này. Cụ thể, công ty chi trả 500.000 đồng cho mỗi héc ta rừng trồng và thu mua tôm sinh thái có chứng chỉ cao hơn giá thị trường 3.000 đồng/kg. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Minh Phú, cho biết ngoài tôm sinh thái của MAM đăng ký cấp chứng chỉ Naturland của Thụy Sĩ, công ty còn một số dự án nuôi tôm sinh thái khác theo mô hình tôm - rừng đạt các chứng chỉ sản phẩm hữu cơ của Âu, Mỹ. Điểm chung của dòng sản phẩm này là tôm nuôi hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thức ăn và hóa chất nên chất lượng tôm rất ngon.
Đây là xu hướng tiêu dùng hiện nay của các nước phát triển. "Chúng tôi đang tập trung phát triển dòng sản phẩm này với thương hiệu “Tôm Mangrove”. Sản phẩm này không chỉ xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước cũng rất mạnh. Trong năm vừa rồi ngành tôm gặp nhiều khó khăn, giá tôm thị trường thế giới cũng xuống thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 40%. Nhưng hiện người tiêu dùng vẫn chấp nhận dòng sản phẩm này với mức giá cao hơn từ 5 - 10% so với sản phẩm thông thường", ông Quang cho biết.
Qua 3 năm triển khai, dự án MAM đã tập huấn gần 2.156 hộ về hệ sinh thái, chứng chỉ tôm sinh thái quốc tế và các kỹ thuật nuôi tôm sinh thái. Tới nay, gần 800 hộ nuôi tôm đã được cấp chứng chỉ Naturland và được thưởng cho công tác khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn. Trên 1.000 hộ khác hiện đang trong quá trình xin cấp chứng chỉ. Có khoảng 80 ha rừng (thuộc quyền sử dụng của 402 hộ dân) từng bị phá hủy để nuôi tôm trong các thập niên trước đã được trồng lại.
Ông Tạ Minh Mẫn, Phó trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên (Ngọc Hiển, Cà Mau), đơn vị phối hợp triển khai dự án MAM, cho biết trung bình mỗi hộ nuôi tôm trong dự án thu lãi 40 triệu đồng/ha/năm, cao hơn những hộ khác 10 - 15%. Tuy nhiên, khó khăn là diện tích của các hộ còn nhỏ nên diện tích rừng được khôi phục còn ít, giá bán tôm nguyên liệu chưa ổn định. “Các bên tham gia cần phối hợp chặt với nhau trong việc trao đổi thông tin thị trường. Điều quan trọng là cần phối hợp để xây dựng một mô hình tôm - rừng như thế nào để đạt hiệu quả tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và từ đó nhân rộng ra các địa phương khác”, ông Mẫn khuyến nghị.
Nâng diện tích tôm có chứng chỉ lên 20.000 ha
Theo ông Châu Công Bằng, rừng ngập mặn là vành đai bảo vệ chống xói lở và nước biển dâng, giúp cân bằng hệ sinh thái. Chính vì vậy dự án có một ý nghĩa rất lớn trong việc vừa phát triển kinh tế cho người dân và bảo vệ phát triển diện tích rừng.
Theo kế hoạch đến năm 2020, địa phương nâng diện tích tôm sinh thái có chứng chỉ lên 20.000 ha. Tỉnh cũng đề nghị dự án tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật nâng cao năng suất nuôi tôm nhằm tăng thu nhập cho nông dân, qua đó giúp họ yên tâm trồng thêm rừng. Bên cạnh đó, cần mở rộng các loại chứng nhận tôm sinh thái để sản phẩm này ngày càng phát triển rộng hơn.