Loài cá có khả năng “trường tồn” đến mức đe dọa môi trường
Dựa vào đặc tính của cá mút đá biển mà người ta còn có gọi chúng với một số tên gọi khác như cá ma cà rồng, cá ninja hay một biệt danh thú vị không kém đó là loài cá “giấu đầu lòi đuôi” bởi khi bị bắt lên chúng thường cuộn đầu lại như đang trốn đi.
Nói về lịch sử tồn tại của loài cá này hẳn sẽ khiến nhiều người rất bất ngờ vì chúng là loài cá ký sinh đã xuất hiện cách đây hơn 360 triệu năm. Dù trải qua thời gian dài như thế, chúng là một trong số ít sinh vật bảo tồn được hình dạng của mình.
Cá mút đá biển sinh tồn hàng triệu năm qua bằng cách thức rất tàn bạo, đó là hút máu những sinh vật biển và kể cả đồng loại của mình. Cụ thể, khi xác định được mục tiêu, chúng sẽ sử dụng chiếc lưỡi của mình như một cây kim nhọn để len qua vảy và hút máu. Do đó, nếu không có cơ quan chức trách nào theo dõi sát sao sự phát triển của loài cá này thì nguy cơ tận diệt của các loài bản địa khác trong vùng là điều không tránh khỏi. Theo thống kê, chỉ với một cá thể cá mút đá biển đã có thể tiêu diệt 40 cá thể khác trong vòng 1 năm.
Cá mút đá biển có cấu tạo miệng đặc biệt. Ảnh: vermontjournal.com
Tuy là loài cá không xương sống, không xương hàm nhưng cá mút đá biển lại có vũ khí lợi hại là cái miệng được bao bọc bằng sụn của chúng. Chỉ với cái miệng của mình mà cá mút đá biển đã trở thành một loài cá săn mồi đáng gờm trong thế giới đại dương. Con mồi loài cá này hướng đến không chỉ là những động vật nhỏ không có xương sống mà còn là những loài cá có kích thước lớn hơn chúng gấp nhiều lần. Chẳng hạn như cá hồi, cá trích, cá mập phơi nắng (basking shark),...
Tại sao cá mút đá biển lại là loài không thể tiêu diệt?
Mặc dù loài cá này góp mặt trong danh sách những loài cá gây hại ở không ít quốc gia, nhưng xem xét kỹ càng về những tác động tích cực và tiêu cực của cá mút đá biển, chúng ta sẽ nhận ra không thể tiêu diệt chúng.
Xét về mặt lợi ích, David L. Deen - một thành viên của Ủy ban Cá và Động vật hoang dã Vermont và Ủy ban Sông Cá hồi Đại Tây Dương Connecticut đã đưa ra một luận điểm khiến nhiều người “anti” cá mút đá biển phải suy nghĩ lại. Bởi chúng có những đóng góp rất lớn cho môi trường nước, cụ thể là với tư cách là loài cá bản địa ở sông Connecticut.
Loài cá này đã cống hiến một cách thầm lặng bằng cách vận chuyển các nguyên tố vi lượng từ đại dương ngược lên thượng nguồn, nơi bắt nguồn của những vi chất dinh dưỡng đó để cải thiện sự cân bằng hóa học của dòng sông. Bên cạnh đó, ngay khi chết sau mùa sinh sản, loài cá này đã trở thành nền tảng của chuỗi thức ăn mới cho các loài sinh vật khác.
Cá mút đá biển không hoàn toàn là sinh vật gây hại. Ảnh: fws.gov
Tuy nhiên, khi nhìn nhận những tác động tiêu cực của chúng đến các loài bản địa, chúng ta phải cân nhắc đến việc phải tiêu diệt loài cá này. Trên thực tế, điều này đã được nhiều quốc gia thực hiện, nhưng quá trình “dọn dẹp” tận gốc cá mút đá biển là điều bất khả thi. Hiện nay, người ta chỉ tiến hành tiêu diệt cá mút đá biển ở giai đoạn ấu trùng, còn khi loài cá này trưởng thành thì khả năng tiêu diệt thành công gần như bằng không.
Có thể thấy, cá mút đá biển là loài cá hiếm hoi vừa có những lợi ích và tác hại đan xen. Do đó, cần phải phân tích kỹ lưỡng từng trường hợp khác nhau để có cách đối phó phù hợp và kịp thời nhất đối với chúng để đảm bảo cho sự tồn tại của cá mút đá biển cũng như không phá vỡ sự cân bằng của môi trường.