“Trùm” chợ cá
Tsukiji là chợ cá và hải sản lớn và nổi tiếng nhất thế giới. Khu chợ 80 năm tuổi này mang nhiều nét truyền thống của người Nhật, bao gồm rất nhiều cửa hàng nhỏ lẻ, trong đó rao bán đủ loại mặt hàng biển phong phú từ mực khô, rong biển cho đến thịt cá voi xông khói và trứng cá muối… Mỗi ngày, chợ tiếp nhận và phân phối hơn 2.000 tấn hải sản. Xe cộ chở hàng qua lại như mắc cửi từ sáng đến tối, không lúc nào ngơi nghỉ.
Chợ được phân làm 2 khu chính. Khu chợ nhỏ bên trong là nơi các doanh nghiệp bày bán hàng hóa và tổ chức các phiên đấu giá cá ngừ với số tiền lên tới hàng triệu USD/con. Lác đác có một vài nhà hàng phục vụ khách du lịch cũng như dân buôn tại chợ. Còn khu chợ nhỏ phía ngoài bao gồm các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng phục vụ công chúng.
Khu chợ nhỏ phía ngoài. Ảnh: Japan-Guide
Cơ sở hạ tầng chật chội và cũ kỹ khiến Tsukiji chỉ đáp ứng được tối đa 120 khách tham quan tới khu vực đấu giá mỗi ngày. Du khách muốn tham dự phải đăng ký trước tại Trung tâm Thông tin Cá (Osakana Fukyu) nằm ở cổng Kachidoki, bắt đầu từ 5 giờ hoặc sớm hơn vào những ngày bận rộn. Ai đến trước sẽ được phục vụ trước.
Nhóm 60 du khách đầu tiên được vào cổng lúc 5 giờ 25 phút đến 5 giờ 50 phút. Nhóm thứ hai từ 5 giờ 50 phút đến 6 giờ 15 phút. Họ thường phải đến từ rất sớm, trước vài giờ, và không được dùng máy chụp ảnh mà chỉ được đứng quan sát.
Ngược lại, khu vực bán buôn gồm hàng trăm gian hàng nhỏ là nơi du khách có thể thoải mái chụp ảnh và không giới hạn số người vào chợ. Tuy nhiên, để ngăn ngừa tại nạn vì xe cộ, du khách bị cấm vào khu vực này trước 9 giờ - thời điểm người mua kẻ bán đông nhất trong ngày. Ngay cả khi được vào chợ sau 9 giờ, họ cũng phải bỏ hành lý, túi xách lớn bên ngoài và hết sức chú ý để không gây cản trở giao thông.
Xe chở hàng tại chợ Tsukiji. Ảnh: Japan-Guide
Các mặt hàng hải sản được bày bán tại chợ. Ảnh: Japan-Guide
Đến thăm Tsukiji, du khách không thể bỏ qua bữa sáng với sushi tươi hoặc bữa trưa tại một trong những nhà hàng địa phương. Tất cả đều sẵn sàng phục vụ khách du lịch từ 5 giờ sáng đến giữa trưa hoặc đầu giờ chiều. Có một số quy tắc du khách cần phải lưu ý khi tham quan chợ để không gặp rắc rối: tránh đi vào khu vực hạn chế; không gây cản trở giao thông; không mang theo túi lớn hoặc vali vào trong chợ; không dắt theo trẻ nhỏ và vật nuôi; không hút thuốc và đặc biệt là đừng chạm vào bất cứ thứ gì.
Cá ngừ giá "khủng"
Chợ Tsukiji nổi tiếng với các phiên đấu giá đầu năm để cầu may mắn cho cả 12 tháng tiếp đó. Và cá ngừ vây xanh, được đánh bắt ngoài khơi tỉnh Aomori, là “nhân vật chính” trong các cuộc đấu giá này. Theo hãng tin AP, số lượng cả 3 loại cá ngừ vây xanh ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương đã suy giảm trong 15 năm qua. Chúng được liệt vào hàng nguy cấp cần được bảo vệ.
Trong khi đó, người Nhật có thói quen trả tiền cho phiên đấu giá đầu năm để cầu một năm buôn bán thuận lợi và Tokyo tiêu thụ đến 80% số cá ngừ vây xanh đánh bắt trên toàn thế giới. Đó là lý do 2 con cá ngừ được bán tại 2 phiên đấu giá hồi năm 2013 và ngày 5-1 vừa qua dù có giá khá “chát” vẫn được chuỗi nhà hàng Sushi Zanmai của ông Kiyoshi Kimura bỏ tiền mua lại.
Một phiên đấu giá cá ngừ tại chợ Tsukiji. Ảnh: Japan-Guide
Du khách xem bán đấu giá cá ngừ. Ảnh: Japan-Guide
Hôm 5-1, ông Kimura bỏ ra 14 triệu yen (117.000 USD) để mua con cá ngừ nặng 200 kg. Nhưng giá này chẳng là gì nếu so với con cá ngừ 154,4 triệu yen (1,8 triệu USD), cân nặng 222 kg, mà ông có được năm 2013 sau màn đấu giá quyết liệt với ông chủ chuỗi nhà hàng sushi đối thủ Itamae.
Theo nhận xét của ông Kimura, cá ngừ mà nhà hàng của ông mua được có chất lượng tuyệt hảo với hình dạng, màu sắc và chất béo không chê được ở điểm nào. Thêm vào đó, ngày 5-1 là phiên đấu giá cuối cùng tại Tsukiji vì đến tháng 11-2016, chợ được di dời tới một khu phức hợp gần vịnh Tokyo để nhường chỗ cho các dự án bất động sản sang trọng ở trung tâm thủ đô.
“Tôi muốn thực khách của mình hài lòng. Đây là phiên đấu giá cuối cùng ở Tsukiji nên có rất nhiều người tham gia và tôi thấy ai cũng xúc động mạnh” – ông Kimura bộc bạch.
Kế hoạch di dời được nhen nhóm từ cách đây 20 năm nhưng nhiều lần bị trì hoãn do phát hiện độc chất trong đất tại nơi định xây chợ Tsukiji mới. Sau đó, việc giải tỏa chợ kéo dài đến năm 2013. Hiện tại, một số cửa hàng ở khu chợ nhỏ bên ngoài đã bị san bằng. Bản vẽ quy hoạch cho thấy khu chợ mới sẽ bao gồm một công viên cây xanh, trung tâm mua sắm và nhà ga dành cho khách du lịch đi phà.