Ngày 21/1, tại TP Sóc Trăng Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký Quy chế phối hợp năm 2021”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cho biết: Năm 2020 sản xuất nông nghiệp nước ta đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt, ngành hàng thủy sản chiếm trên 8,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm 3,9 tỷ USD, chiếm tỷ trong lớn trong các ngành hàng xuất khẩu.
Năm 2021, kế hoạch sản xuất tôm nước lợ nước ta 740.000 ha, nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con, nhu cầu tôm bố mẹ khoảng 250.000 con, phấn đấu đạt sản lượng trên 900.000 tấn. Theo mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2025, ngành hàng tôm nước ta phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.
Vùng nuôi tôm thâm canh ở Sóc Trăng vào vụ thả nuôi mới. Ảnh: HĐ.
Muốn đạt mục tiêu này cần không ngừng đầu tư phát triển khoa học công nghệ, hạ tầng vùng nuôi, quy trình nuôi trồng, đặc biệt sản xuất giống đóng vai trò quyết định. Kế hoạch năm 2021 cần chú trọng các giải pháp trọng tâm đối với quản lý chất lượng và sản xuất giống tôm nước lợ.
Hiện nay, cả nước có 2.200 cơ sở tôm giống, sản xuất 130 tỷ con giống/năm. Các cơ sở, doanh nghiệp giống phải tuân thủ các tiêu chí về tiêu chuẩn, qui chuẩn sản xuất giống đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất và sạch bệnh.
Tại hội nghị, Tổng cục Thủy sản đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ và giới thiệu dự thảo quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ 2021. Đại diện UBND, Sở NN-PTNT các địa phương sản xuất giống, nuôi tôm nước lợ ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ.
Năm 2020, tình hình sản xuất tôm nước lợ đã có sự phục hồi khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế. Việc xuất khẩu mặt hàng tôm nước lợ được khôi phục đã giúp cho chuỗi sản xuất tôm nước lợ tăng trưởng khá. Tổng sản lượng vượt kế hoạch đề ra, sản lượng tôm nuôi đạt trên 900.000 tấn, trong đó tôm sú trên 267.000 tấn, tôm thẻ chân trắng trên 512.000 tấn. Riêng ĐBSCL có vùng nuôi tôm lớn nhất nước 680.000 ha/738.000 ha, chiếm 92% diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước.