Cá nổi trắng bè
Ông Nguyễn Ngọc Lộc (thôn Vĩnh Phú, xã Vĩnh Tân), người có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá lồng bè tại địa phương, kể: “Đợt đầu cá chết xảy ra vào đêm 12-9. Khi ấy, tôi nghe tiếng cá quậy dữ dội nên chạy ra xem thì thấy hàng trăm con đã chết nổi trắng bụng. Đến đêm 11-10, sự việc lại tái diễn khiến số cá bớp nuôi trong 20 lồng bè của gia đình bị chết đến 70%”. Còn lứa cá bớp khoảng 1.000 con (từ 2-5kg/con) của gia đình ông Nguyễn Văn Giá ở thôn Vĩnh Phúc đang chuẩn bị xuất bán cũng chết hàng loạt. “Cá đang khỏe mạnh bỗng quẫy mạnh đuôi rồi chết hết. Sự việc diễn ra quá nhanh, tôi không biết phải xử lý thế nào. Gần 20 năm nuôi cá lồng bè trên biển, tôi chưa từng gặp phải sự cố như thế này”, ông Giá than thở. Bên cạnh cá chết thì tôm hùm của bà con nuôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. “Tôm hùm không chết ngay lúc đó mà chết dần, dường như chất độc ngấm vào cơ thể tôm lâu hơn mới phát bệnh. Những con tôm hùm chết hoặc đang ngắc ngoải, khi vớt lên đều không thể ăn được vì thịt bên trong đã thối rữa”, ông Nguyễn Nhiên (thôn Vĩnh Phú) cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, qua thống kê 2 đợt xảy ra sự việc, địa phương đã ghi nhận ít nhất 87/181 lồng nuôi cá bớp, cá mú và tôm hùm bị ảnh hưởng và số cá chết khoảng 16.530 con của 10 hộ nuôi. Còn tôm hùm do chết rải rác nên chưa thống kê được.
Do nhiệt điện xả thải?
Về nguyên nhân cá và tôm chết hàng loạt, các hộ dân nuôi lồng bè tại xã Vĩnh Tân đều cho rằng do Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân xả chất thải ra môi trường biển. “Hàng chục năm nay chúng tôi nuôi cá tại khu vực biển này chưa từng xảy ra hiện tượng cá chết, nhưng kể từ khi nhà máy nhiệt điện này hoạt động thì xảy ra sự cố. Chúng tôi biết nguyên nhân cá chết là do nhà máy thải chất độc hại ra môi trường, nhưng không thể vào nhà máy bắt quả tang được”, ông Nguyễn Nhiên bức xúc.
Ngay khi tôm, cá chết hàng loạt, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với UBND xã Vĩnh Tân đến hiện trường lấy mẫu cá, tôm chết và mẫu nước đưa đi kiểm nghiệm. Sau đó, Cơ quan Thú y vùng VI có kết quả kiểm nghiệm: Không phát hiện virus Betanodavirus gây bệnh hoại tử thần kinh (VNN) và Iridovirus (RSIV) gây bệnh ở cá trong mẫu xét nghiệm; phát hiện có vi khuẩn Vibrio alginolyticus trong mẫu xét nghiệm. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, nhận định: “Nguyên nhân cá nuôi lồng bè chết hàng loạt tại xã Vĩnh Tân không phải do 2 loại virus trên gây nên. Còn trường hợp nhiễm vi khuẩn Vibrio alginolyticus chỉ gây cho cá bệnh lở loét, xuất huyết làm cá chết rải rác chứ không thể chết nhanh và hàng loạt. Như vậy, có thể nói cá, tôm chết vừa qua ở Vĩnh Tân không phải do dịch bệnh gây ra”.
Ông Huy cũng cho rằng, cá nuôi lồng bè chết nhanh và chết hàng loạt chỉ có thể do thủy triều đỏ, sứa độc hoặc ô nhiễm môi trường gây ra. Tuy nhiên, theo khảo sát bước đầu của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, tại các bè nuôi thủy hải sản ở xã Vĩnh Tân không có dấu hiệu của hiện tượng thủy triều đỏ hoặc sứa độc. Do vậy, có thể hiểu, nguyên nhân cuối cùng khiến thủy hải sản nuôi bị chết đột ngột như đã nêu thì chỉ có thể do yếu tố tác động từ bên ngoài gây ra.
Ngày 12-11, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo tình hình kiểm tra và xác định nguyên nhân của tình trạng cá chết hàng loạt tại vùng biển xã Vĩnh Tân, nhưng kết quả cuộc họp chưa được công bố.