Văn bản lạ xác định loại cá tầm
Cá tầm có tên trong danh sách thuộc phụ lục của Công ước quốc tế về kiểm soát buôn bán các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (Cites). Đây là loài cần được bảo vệ nên việc xuất - nhập khẩu bắt buộc phải có giấy phép hợp pháp của Cites.
Tuy nhiên, theo thư phản ánh của tập thể các hộ nuôi cá tầm Lâm Đồng, hiện đang có tình trạng cá tầm Trung Quốc không đúng chủng loại hợp pháp của Cites đang nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.
Đáng chú ý, việc nhập khẩu này được “hợp thức hóa” bởi văn bản số 1497 ngày 3/12/2021 Viện NCHS - Bộ NN&PTNT.
Cụ thể, theo đơn phản ánh, văn bản số 1479/VHS-NL trả lời Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị được Viện trưởng Nguyễn Khắc Bát ký, xác nhận các mẫu cá tầm được gửi đi nghiên cứu đều là cá tầm Xibêri thuần chủng được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Văn bản này cho biết, đã tiến hành phân loại hình cá bằng trực quan?! Trong khi đó, phương án xác định chính xác phải là kết hợp phân loại hình thái với giải trình tự ADN và phương pháp đối chứng hình thái.
Bên cạnh đó, Viện NCHS chỉ có chức năng cơ bản là nghiên cứu hải sản, cá tầm là thủy sản nước lạnh nên không thuộc đối tượng và nhiệm vụ quyền hạn của đơn vị này.
Đáng chú ý, 1 ngày trước khi Viện NCHS có văn bản số 1479, Hải quan Lạng Sơn cũng có văn bản số 3161 gửi Cites Việt Nam thông báo về các lô cá tầm nhập khẩu mà Cites yêu cầu kiểm tra.
Theo văn bản này, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Cơ quan khoa học của Cites Việt Nam) cho ra kết quả nhiều mẫu cá không phải là cá tầm Xibêri thuần chủng (bằng phương pháp giải trình tự ADN). Trong khi đó, Viện NCHS cho ra kết quả toàn bộ cá thể cá tầm đều thuộc loại cá tầm Xibêri thuần chủng (bằng phương pháp dựa hình thái).
Thư phản ánh cũng dẫn văn bản số 91/VTS1 của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 gửi Cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị xác định cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc không phải là cá tầm Xibêri được phép thương mại ở Việt Nam.
Tiếp tay cho gian lận thương mại?
Đơn khiếu nại của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng nhìn nhận, lượng lớn cá tầm sai chủng loại nhập vào trong nước dẫn đến có dấu hiệu gian lận thương mại và vi phạm Công ước CITES.
Việc cho thông quan nhiều lô cá tầm này khiến giá bán cá tầm nuôi trong nước rớt thê thảm. Nếu như trước đây, mỗi cân cá tầm dao động quanh mức 190.000đ, thì hiện nay chỉ còn khoảng 100.000đ.
“Những người nuôi cá tầm đang phải gánh chịu thiệt hại lớn vì sự cạnh tranh không lành mạnh, giá thấp và chất lượng kém”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Toàn nhận định.
Thêm vào đó, việc cá tầm không thuần chủng của Trung Quốc tràn vào Việt Nam là đang đánh lừa người tiêu dùng. Tạo ra nguy cơ làm phá sản ngành nuôi cá nước lạnh non trẻ của Việt Nam.
Theo tìm hiểu, tình trạng nhập khẩu cá tầm Trung Quốc ồ ạt diễn ra từ đầu năm 2021. Ảnh minh họa
Tháng 2/2021, qua theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan kết hợp lấy mẫu kiểm định chủng loại tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (thuộc Tổng cục Thủy sản) đối với một số lô cá tầm nhập khẩu tại Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Tổng cục Hải Quan cho biết thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan.
Bộ NN&PTNT đã phối hợp với địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở, TP Hà Nội và chợ Bình Điền, TPHCM. Kết quả có 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), Hội Nghề cá Việt Nam để chấn chỉnh hoạt động này.
Tuy nhiên, sau ngày 23/7/2020, cá tầm Trung Quốc nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan có giá rẻ nhập về Việt Nam không những giảm mà còn tăng cao làm lũng đoạn thị trường.
Theo quy định hiện hành của pháp luật về lâm nghiệp, thủy sản và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites) thì cá tầm Xibêri hiện đang được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là động vật hoang dã, thuộc phụ lục II. Việc nhập khẩu cá tầm Xibêri từ Trung Quốc vào Việt Nam phải có giấy phép nhập khẩu do cơ quan quản lý Cites Việt Nam cấp.
Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, ngày 28/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh trong đó có yêu cầu "cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam".
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính cũng đã có công văn hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành về việc thực hiện thủ tục nhập khẩu cá tầm và các chính sách nhập khẩu liên quan.
Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu; hàng hóa chỉ được thông quan và đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Đồng thời, tiến hành điều tra, xác minh, xử lý đối với các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vi phạm.