“Cá tỷ đô” ra nằm đường
Vài tháng gần đây, người dân một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đem cá tra ra bán ở lề đường. Đây là hiện tượng hiếm, cho thấy tình trạng bế tắc của ngành hàng xuất khẩu tỷ USD này.
Cá tra của Việt Nam chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Khi người dân thu hoạch, thương lái thường đến bắt tại ao, hoặc người nuôi có thể vận chuyển đến doanh nghiệp chế biến. Tình trạng người dân đem cá ra lề đường bán đổ bán tháo là bất đắc dĩ.
Tại Kiên Giang, cá tra được rải ra nhiều điểm dọc hai bên đường để bán. Giá bán bên vỉa hè khá cao, 25.000 đồng/kg, tuy nhiên muốn bán được nhanh, người bán cũng phải hạ giá thấp hơn, thậm chí bán lỗ.Việc này là để giải quyết tình thế, vì cá đã "ngâm" lâu, quá lứa, thậm chí không ai mua.Tình trạng cá quá lứa nhưng không bán được cũng diễn ra ở một số địa phương khác ở ĐBSCL.
Tiếp chúng tôi tại ao cá tra của mình ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, bà Đào Thúy Phượng nói, mấy tháng nay chỉ nghe trên loa phát thanh của phường là giá heo tăng chứ không hề nghe gì về giá cá. Cách đây hơn 1 tháng, bà Phượng bán gần 18 tấn cá tra giống ở ao này với giá 23.000 đồng/kg, sau khi tính toán, bà lỗ gần 200 triệu đồng.
Mặc dù biết lỗ nhưng bà không thể đợi thêm vì cá đã nuôi cả năm rưỡi, trong khi cá tra giống thường chỉ 3 tháng là thu hoạch bán. Dẫu vậy, bà vẫn tiếp tục mua thả lứa cá khác và "nuôi" hy vọng được giá vì còn 2 năm nữa mới hết hợp đồng thuê ao với giá gần 80 triệu đồng/năm. “Giờ cũng không dám cho cá ăn nhiều, ráng nuôi đợt này nữa coi có gỡ gạc gì được không, nếu không thì cuối năm chắc tôi trả ao”, bà Phượng thở dài và cho biết, người thân của bà còn khoảng 150 tấn cá tra giống ở Đồng Tháp đang “mắc kẹt” chưa bán được do giá quá thấp và thậm chí không ai mua.
Theo ông Nguyễn Vũ Linh (người nuôi cá tra thịt ở Hồng Ngự, Đồng Tháp), với giá cá tra nguyên liệu hiện nay khoảng 18.200-18.500 đồng/kg, người nuôi lỗ 3.000-4.000 đồng/kg, ai nuôi "khéo" thì lỗ khoảng 2.500 đồng/kg, nếu bán 1 ngàn tấn thì lỗ 2,5-3 tỷ đồng...
Cầm cự
Tình hình ảm đạm từ đầu năm đến nay khiến cả doanh nghiệp và người nuôi đều cầm chừng, kéo dài thời gian nuôi. Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) cho biết, tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp là giảm doanh thu và tồn kho tăng. Cụ thể tại doanh nghiệp của ông, doanh thu từ đầu năm đến nay giảm khoảng 40%, trong khi lượng tồn kho tăng lên 50-60%. “Trước tình hình này, doanh nghiệp phải giảm công suất nhà máy, vẫn phải duy trì hoạt động để người lao động có việc làm và thu nhập, cố gắng chỉ giảm 10-15% thu nhập để người lao động đảm bảo cuộc sống”, ông Văn nói.
Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), tình hình trước mắt vẫn "chưa thấy đường ra", dịch COVID-19 thực sự ảnh hưởng rất nặng nề, các thị trường kiểm soát rất gắt gao nên hàng xuất khẩu không đi được hoặc đi rất chậm. Ông Dũng nhận định tình hình đến cuối năm có thể vẫn chưa ổn. “Nếu chuyển biến tích cực, các thị trường như Trung Quốc hay châu Âu họ mua hàng nhiều thì may ra có thay đổi. Dịch bệnh ảnh hưởngđến sản xuất siêu nghiêm trọng chứ không chỉ là nghiêm trọng nữa. doanh nghiệp hiện nay họ thấm đòn ghê gớm”, ông Dũng nói.
Về giải pháp gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp sản xuất cá tra, ở góc độ hiệp hội, ông Dũng cho rằng, "hoàn toàn bất lực". “Hiệp hội cũng nắm tình hình, phản ảnh, kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp để phía ngân hàng hạ lãi suất cho vay không chỉ trong năm nay mà còn năm sau… Chính phủ cũng có những giải pháp, tuy nhiên vẫn không ăn thua”, ông Dũng cho hay.
Thị trường nội địa khó khăn
Nói về giải pháp tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa, Phó Chủ tịch VINAPA cho rằng, đó mới chỉ là những dấu hiệu khích lệ. Cũng giống như các mặt hàng nông sản khác, cá tra khi xuất khẩu không được thì mới bán ở thị trường nội địa (dĩ nhiên là không phải đợi đến lúc xuất khẩu không được mới bán trong nước). Tuy nhiên, sản xuất cho hai thị trường này hoàn toàn khác nhau, cá nuôi cho xuất khẩu hoàn toàn theo quy trình khép kín từ ao đến gia công để xuất khẩu. Trong khi để phục vụ thị trường trong nước thì đòi hỏi tính linh hoạt cao hơn, vì tâm lý tiêu dùng trong nước vẫn còn ngại sản phẩm này, người dân không quen ăn cá phi lê...
Theo ông Dũng, mặc dù không "giải cứu" được, nhưng các doanh nghiệp cũng đã chịu khó lăn lộn để mở thị trường trong nước. Thị trường trong nước không giải quyết được vấn đề lúc này nhưng cũng là tình thế làm cho các doanh nghiệp phải tính toán đến cả hai thị trường (trong nước và xuất khẩu), điều mà trước đây cũng đã nói nhưng không ai làm, làm cũng không thành công.