Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người nuôi cá tra, ngày 7-3, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lại thời hạn vay nuôi cá tra, như cho vay theo chu kỳ nuôi cá từ 8-12 tháng thay chu kỳ 4 tháng như hiện nay; cơ cấu lại nợ, tăng hạn mức cho vay trên cơ sở sửa đổi, bổ sung giá trị cá trong ao và hạ tầng ao nuôi vào căn cứ tính hạn mức cho vay...
Dù ngành cá tra đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ. “Đợt này cũng chỉ là xem xét hành chính lần thứ 8, còn kỳ thứ 9 đang tiến hành nên khả năng xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ vẫn còn” - ông Hòe nhận định.
Ngoài những doanh nghiệp bị áp mức thuế cao khó có thể tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn hiện nay vẫn còn 8 doanh nghiệp không tham gia thị trường này trong giai đoạn POR8 nên họ vẫn chỉ chịu thuế suất thấp của kỳ POR7 là từ 0 - 0,03 USD/kg. Tuy nhiên, theo ông Hòe, muốn đẩy mạnh thị trường này, các doanh nghiệp trên phải có thời gian để tìm khách hàng hoặc tạo lập lại các mối quan hệ trước đây.
Chiều 19-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Đình Hòe khẳng định phán quyết của DOC thực sự đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam và họ sẽ phải tìm cách chuyển hướng sang thị trường mới. “Có xâm nhập được thị trường mới hay không phải phụ thuộc nhiều yếu tố...” - ông Hòe nói.
Về động thái của VASEP trong việc giúp doanh nghiệp và người nuôi cá tra ứng phó với quyết định của DOC, ông Hòe cho biết ngoài việc phản đối kịch liệt qua thông cáo báo chí, VASEP sẽ tổ chức cuộc họp để bàn và đưa ra các giải pháp đối phó cũng như để tháo gỡ những khó khăn cho ngành cá tra Việt Nam.