Tự tin năm 2014
Ông Dương Ngọc Minh - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Cty CP Hùng Vương, nhận định: “Năm 2014, ngành hàng cá tra Việt Nam có thể phát triển vượt bật trong XK sang nhiều nước trên thế giới. Qua đó sẽ làm giảm tình trạng mất cân đối giữa sản lượng nuôi trồng và nhu cầu tiêu thụ. Tất cả những “nút thắt” cản trở sự phát triển ngành hàng cá tra sẽ dần dần được tháo gỡ. Trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư không còn tìm thấy sự hấp dẫn của ngành hàng này nên đã rút lui và hiện chỉ còn lại những DN thật sự ổn định, có vốn, thị trường, kỹ thuật nuôi. Đây là thành phần chủ lực góp phần đưa ngành cá tra trở lại quỹ đạo phát triển. Dự báo sản lượng năm 2014 có thể giảm khoảng 10% nhưng giá trị tăng khoảng 5%.”
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng: Hiện nay nguồn cá nguyên liệu trong nước đang sụt giảm, do chính sách thắt chặt tín dụng của ngân hàng. DN khó tiếp cận nguồn vốn. Số hộ dân nuôi cá rơi vào cảnh lỗ ngày một nhiều hơn. Do đó trong năm 2014, khuynh hướng giá XK cá tra sẽ tăng. Thị trường Trung Quốc có thể trở thành thị trường hấp dẫn khi đã có mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2013, đạt mức 6% tổng kim ngạch XK, trung bình XK khoảng 4.000 tấn/tháng.
Bước sang năm 2014, các DN chế biến cá tra XK tại ĐBSCL cho rằng, ngành hàng cá tra sẽ có nhiều cơ hội để tăng tốc. Cá tra vẫn là sự lựa chọn của người tiêu dùng do giá cả phải chăng. Nhu cầu NK cá tra vẫn không thay đổi, đặc biệt ở khu vực châu Á và Mỹ Latinh. Nguồn cung cá tra nguyên liệu trong nước giảm thấp có thể khiến giá XK tăng nhẹ trong năm tới.
Chủ động vượt khó
Ông Nguyễn Ngọc Hải, GĐ HTX Thủy sản Thới An (Cần Thơ) cho rằng: Ngành hàng cá tra 2014 chưa thấy điểm sáng rõ ràng. Hiện tại, giá cá bán tại ao chỉ 22.000 -23.000 đ/kg, dưới giá thành, khiến người nuôi lỗ vì chi phí đầu tư cao, DN gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Chính vì vậy không khéo cá tra vẫn bơi theo dòng nước cũ của các năm trước.
Do đó, để ngành hàng cá tra khởi sắc trở lại cần có sự trợ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc tạo điều kiện vay vốn SX có ưu đãi lãi suất cho nông dân và DN. Đó là cách ngăn chặn tình trạng SX giảm sút cá tra. Trước kia, HTX nuôi cá tra ở Thới An có 20-25 ha diện tích mặt nước, mỗi năm góp phần vào việc XK cá tra lên hàng ngàn tấn cá. Mấy năm qua chi phí nuôi cá tăng, trong khi đó lãi suất ngân hàng cao, giá bán cá tra lại thấp làm thua lỗ nhiều vụ nuôi. Hiện HTX chỉ thu gọn còn 5 ha nuôi cá theo hợp đồng cho DN. Nếu không có hợp đồng HTX đã treo ao.
Ông Nguyễn Văn Ký, TGĐ Cty Agifish (An Giang) cho rằng: Nếu năm 2014, ngành hàng cá tra không có chính sách mới cho nông dân và DN thì tinh hình có thể giống như năm vừa qua. Hiện thời người nuôi, nhà chế biến, XK cá tra vẫn còn gặp khó khi giá cá tra thương phẩm liên tục giảm dưới giá thành. Nguyên nhân “tụt dốc” của nghề nuôi cá tra là do liên kết trong các khâu trong chuỗi giá trị SX quá lỏng lẻo, trong khi việc quản lý gần như không có. “Ai muốn nuôi, có tiền cứ việc nuôi, dẫn đến diện tích nuôi cá tra biến động không ngừng. Nhiều DN bán phá giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh nhưng cũng không ai nói được và cũng không có biện pháp chế tài nào”.
Ông gay gắt. Năm 2014, cá tra tuy vẫn là sản phẩm XK chủ lực của ĐBSCL nhưng tình trạng khó khăn sẽ kéo dài nếu không có giải pháp chấn chỉnh mạnh. Trước tiên cần siết chặt khâu quản lý, giá cả XK và cả sản lượng nuôi. Như vậy tình hình mới hy vọng được cải thiện. Vấn đề thứ hai là khâu kiểm soát giá cả tiêu thụ và XK, cần sớm thành lập (cũng giống như Hiệp hội lúa gạo) phải đưa ra giá sàn cụ thể, ai sai phạm trong ngành chăn nuôi và XK cá tra phải bị xử phạt mạnh.
TS Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, đề xuất: Trong 2 năm 2014-2015 cần ổn định diện tích nuôi cá để ổn định ngành và cần tăng cường chất lượng cá trong khâu: Giống, nuôi và chế biến; đồng thời phát triển thị trường ngoài nước và nội địa, thực hiện các giải pháp thúc đẩy xây dựng hình ảnh, thương hiệu, quảng bá, quảng cáo, mở các kênh tiêu thụ và đề nghị chính sách hỗ trợ làm tăng cầu, xây dựng các kênh tiêu thụ mới.
Theo VASEP, đến tháng 11 năm 2013, vùng nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL có 4.679 ha, bằng 87,2% so với năm 2012, đã thu hoạch được 1 triệu tấn, năng suất bình quân 276 tấn/ha. Trong khi đó tổng giá trị XK đạt 1,4 tỷ USD giảm 0,5% so với cùng kỳ. Cá tra XK sang 149 quốc gia trên thế giới, tăng 7%. Hiện nay cá tra vẫn đứng vị trí 2 sau tôm, chiếm 26% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam.