Nếu năm 1997, xuất khẩu cá tra của Việt Nam chỉ đạt 1,6 triệu USD thì 22 năm sau, năm 2019, xuất khẩu ngành hàng này đạt khoảng 2 tỉ USD. Sản phẩm cá tra đã xuất khẩu sang 138 thị trường và từng được xem là ngành hàng độc quyền của nước ta. Số liệu công bố tại hội nghị triển vọng toàn cầu cho các lãnh đạo ngành nuôi trồng thủy sản năm 2019 cho thấy tổng sản lượng cá da trơn bao gồm cá tra năm 2019 đạt khoảng hơn 5 triệu tấn. Các quốc gia đang nuôi cá tra có sản lượng lớn là Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc.
Mất thế độc quyền
Sản lượng cá tra nuôi tăng nhanh ở Ấn Độ và sản phẩm cá tra đã có mặt ở 218 chợ dân sinh của nước này, có thể khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá tra tại đây. Indonesia đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường Trung Đông khi cho ra mắt dòng sản phẩm dành riêng cho thị trường này. Ngay trong tháng 5-2019, Indonesia đã bước đầu gặt hái thành công, đánh dấu bằng lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Ả Rập Saudi. Sự thiếu hụt sản phẩm cá tra Việt Nam tại thị trường này do lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm thủy sản Việt Nam của Ả Rập Saudi đã góp phần giúp Indonesia thành công bước đầu tại thị trường này. Còn tại Trung Quốc, hiện có 20 nhà máy chế biến cá tra với năng lực sản xuất ước tính đạt khoảng 30.000 tấn và đang đẩy mạnh hoạt động nuôi và chế biến cá tra, trước mắt phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, trong tương lai gần, ngành cá tra Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn do có nhiều đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 là khoảng thời gian hết sức trở ngại với ngành cá tra khi giá cá nguyên liệu giảm mạnh, chỉ ở mức 18.000-19.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất từ 22.000-23.000 đồng/kg. Mỗi kg cá bán ra, người nuôi lỗ khoảng 4.000 đồng. Các tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dịch bệnh bùng phát mạnh tại Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, một số quốc gia thuộc châu Âu. Đây là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Vì vậy, trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đến các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.
Tái cấu trúc lại ngành hàng
Theo ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), hiện nay ngành cá tra không còn độc quyền xuất khẩu như trước. Tuy gặp nhiều thử thách khi cạnh tranh với những nước mới nổi trong lĩnh vực này, nhưng nhìn theo hướng tích cực có cạnh tranh sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, trình độ cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Sản phẩm xuất khẩu của ngành cá tra chỉ quanh quẩn ở sản phẩm phi lê đông lạnh, cắt khúc hoặc xẻ bướm… Còn những sản phẩm chất lượng cao, có hàm lượng giá trị gia tăng (được làm từ đầu cá, xương cá, mỡ cá, bong bóng, bao tử cá…) chỉ chiếm khoảng 2% tổng xuất khẩu hằng năm của Việt Nam. Việc tạo ra giá trị cộng thêm cho sản phẩm cá tra tạo sự khác biệt của cá tra so với các sản phẩm cá thịt trắng khác là hết sức cần thiết vì giúp tăng tính cạnh tranh cũng như khiến người tiêu dùng chọn sản phẩm cá tra thay vì các sản phẩm khác.
"Thực tế các sản phẩm muốn tồn tại và phát triển lâu dài trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, giữa nhiều sản phẩm tương tự, người tiêu dùng còn đắn đo giữa những sản phẩm cùng loại, điểm nhấn của giá trị cộng thêm sẽ quyết định giùm họ chọn lựa sản phẩm nào. Giá trị cộng thêm này vừa mang lại tính hữu ích cho sản phẩm vừa cung cấp cho khách hàng nhiều lợi ích ngoài giá trị sản phẩm" - ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhìn nhận.
TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng để ngành cá tra có thể phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Theo đó, tăng cường áp dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá giống như sử dụng chế phẩm sinh học, vắc-xin, ương trong nhà mát để tăng sức đề kháng cho cá giống, nâng cao tỉ lệ sống và hiệu quả sản xuất. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, gắn với thực hiện đề án sản phẩm quốc gia làm lực đẩy cho nghị định cá tra phát huy tác dụng.
Tăng tiêu thụ nội địa để giảm áp lực cho xuất khẩuTại hội nghị "Bàn giải pháp sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra trong bối cảnh hiện nay" diễn ra ở An Giang vào ngày 7-5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh trong tháng 5 và tháng 6-2020, có thể tập trung vào xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Trung Quốc; từ tháng 6, tháng 7 trở đi có thể tiếp cận, khôi phục lại thị trường châu Âu. Trong tháng 6, bộ sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan mời những tập đoàn bán lẻ lớn ở Việt Nam ngồi lại, cùng nhau bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa. Theo ông Cường, chỉ cần nội địa tiêu thụ được 10%-20% sản lượng cá tra thì sẽ giảm áp lực cho xuất khẩu.